Linh cảm là khả năng biết trước một điều gì đó không thông qua các tác động của các giác quan. Vậy thì dựa vào đâu để biết?
Rõ ràng là từ lâu, nhiều học giả đã đau đầu vì thế giới cảm tính chưa được vén màn bí ẩn, ngay trong ý nghĩ của ta nhưng lại cực kỳ bí ẩn. Điều khó hiểu hơn cả là tín hiệu mà ta cảm nhận được, cái mà ta gọi là "giác quan thứ 6" là lời mách bảo của một sức mạnh siêu nhiên nào đó hay là thuộc tính tự nhiên của loài người? Vì rõ ràng, linh tính không phải là kết quả quá trình tư duy, nó nằm ngoài phạm trù logic và biện chứng. Nhưng thật ngược đời, sự logic mà linh tính mách bảo trong nhiều trường hợp dường như lại hợp lý và lại là điều cần phải làm...
Linh cảm không từ trên trời rơi xuống
Nhà toán học nổi tiếng người Pháp A.Poanhcarê nhớ lại, một lần ông không tài nào giải được một bài toán. Bực bội ông bỏ đi chơi nhưng thật hoàn toàn bất ngờ, trong lúc chơi ấy ông xuất hiện ý nghĩ về cách giải bài toán làm ông phải lao tâm khổ trí.
"Linh cảm" không phải rơi từ trời xuống với con người. Trực giác gắn bó rất chặt chẽ với những tri thức và kỹ năng được tiếp nhận từ trước, với kinh nghiệm đã được tích lũy và với logic của tư duy, tức là với những quá trình tâm lý hoàn toàn có ý thức. Chỉ có trên cơ sở như vậy, những "ý tưởng chói lọi" mới có thể nảy sinh ra trong trí óc, đôi khi hoàn toàn bất ngờ trong lúc nghỉ ngơi. Kiến thức, kinh nghiệm của con người càng nhiều bao nhiêu thì những giải pháp đúng đắn theo trực giác càng có thể xuất hiện thường xuyên bấy nhiêu.
Lịch sử đã có nhiều minh chứng cho điều ấy. Nhà bác học Nga Mendeleev (1834 - 1907), người đã phát minh ra định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa học đã nằm mơ thấy hiện rõ ra trước mắt toàn bộ bảng tuần hoàn. Điều này có thể giải thích được bởi lẽ ông đã nghiên cứu hàng chục năm vấn đề này và đến khi chín muồi thì kết quả đã hiện ra trong giấc mơ, ông chỉ việc ngồi bật dậy và chép lại.
Viện sĩ Xobolev của Nga tìm ra kim cương ở vùng Iakutsk, viện sĩ Muratov (1908 - 1983) tìm ra dầu mỏ ở vùng Tây Xibêri đều do linh tính mách bảo. Điều này cũng có thể được giải thích bằng kinh nghiệm và sự so sánh kiến tạo với các miền khác trên thế giới của họ, nhưng mặt khác, linh tính cũng đóng vai trò rất quan trọng.
George Sors, nhà tỷ phú Mỹ xếp hạng 38 trong số những người giàu nhất thế giới là một ví dụ về khả năng tận dụng giác quan thứ 6. Phần lớn các cuộc đầu tư bạc tỷ của Sors đều dựa vào linh cảm. Ông cũng nói rằng mỗi khi lưng mình bắt đầu nhói đau là tín hiệu báo trước một điều gì đó không thuận lợi trong quyết định đầu tư chuẩn bị được đưa ra. Những trường hợp đó, ông đã nghiên cứu kỹ các điều kiện hoặc rút lui đúng lúc và nhờ vậy đã nhiều lần tránh được thất bại.
Nhiều lúc linh tính hoàn toàn trái ngược với logic, tư duy nhưng lại thích hợp. Tiêu biểu như câu chuyện của vị hoàng đế nổi tiếng Napoleon. Khi quyết định đem quân đi đánh nước Nga vào năm 1812, Napoleon đã linh tính trước rằng cuộc xâm chiếm này sẽ bị thất bại. Tuy nhiên, ông là một người căm ghét các nhà tiên tri và những lời bói toán, cộng với sự kiên quyết đến mức bảo thủ của mình, Napoleon đã làm trái với sự mách bảo của linh cảm và quyết tâm đánh chiếm nước Nga. Kết cục là sự việc không may lại diễn ra đúng như linh tính của ông.
Có thể luyện khả năng "linh cảm"?
Một nghiên cứu khác cho thấy, linh cảm giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của 80% trong số 253 họa sĩ, nhạc sĩ và văn sĩ. Các nghệ sĩ thiên tài thường xuyên đắm chìm trong thế giới nghệ thuật nên linh cảm đến thăm họ cũng "mắn" hơn. Những tác phẩm bất hủ của Picasso, Mozart... đều là kết quả đột phá của một quá trình chiêm nghiệm lâu dài, có khi "nổ ra" lúc họ đang ngủ. Phải chăng khả năng nắm bắt được linh cảm là năng khiếu bẩm sinh của các thiên tài và nghệ sĩ.
Weston Agor, một giáo sư Khoa quản lý đã nghiên cứu vai trò của linh cảm trong kinh doanh. Ông yêu cầu 2.000 nhà kinh doanh trả lời một test để xác định các nét tính cách. Ông khám phá ra rằng, ở các nhà lãnh đạo có tư duy trực giác tốt hơn nhiều so với các nhân viên bình thường. Agor nói: "Bạn gọi là linh cảm, trực giác hay giác quan thứ 6 cũng được. Họ nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy và đó chính là nguyên nhân đưa họ lên địa vị cao hơn".
Điều khó hiểu hơn cả là tín hiệu mà ta cảm nhận được, cái mà ta gọi là "giác quan thứ 6" là lời mách bảo của một sức mạnh siêu nhiên nào đó hay là thuộc tính tự nhiên của loài người?
Theo những giả thuyết gần đây về trí tuệ con người thì tư tưởng phát sinh từ hai hệ thống khác nhau. Hệ thống cảm nhận hoạt động do sự phân tích từ một quan sát đến ý thức. Nhưng còn có kiến thức loại suy kỳ lạ do cấu trúc sâu xa của tế bào não tạo ra. Não là bộ máy phức tạp với hàng tỷ tế bào thần kinh giao nhau nhờ vô số các hệ thống kết nối chằng chịt, có rất nhiều thông tin phụ tràn ngập tiềm thức hình thành nên những tri thức tiềm ẩn. Cái mà ta gọi là linh cảm và trực giác có thể là việc vận dụng tri thức tiềm ẩn đó, một loại tri thức mà con người không hệ thống hóa được.
Như vậy, chúng ta luôn luôn biết nhiều hơn mình tưởng. Tâm lý con người chỉ ý thức được một số ít những ấn tượng cảm nhận bằng giác quan. Những ấn tượng còn sót lại được bộ não cất giữ trong tiềm thức, luôn sẵn sàng đưa ra sử dụng. Có bác sĩ chỉ cần nghe các triệu chứng và biểu hiện của bệnh nhân là có thể nói chính xác căn bệnh trong khi bác sĩ khác phải đọc hàng tập giấy xét nghiệm mới kết luận được. Có thể nói bác sĩ này có trực giác hay linh cảm cao.
Tiềm thức không bao giờ ngưng hoạt động, luôn luôn tích lũy nhờ những thông tin, kinh nghiệm và trí nhớ. Tiềm thức là cái kho vô tận để nảy sinh các linh cảm. Cho nên linh cảm không phải là chuyện may mắn, linh cảm chỉ xuất hiện trên một bộ não đã được chuẩn bị. Khi gặp một vấn đề nan giải, bạn hãy cố hết sức mình. Nếu vẫn chưa vượt qua được hãy gác nó sang một bên, đi thư giãn hoặc làm việc khác. Nếu bạn đã tự trang bị cho mình những dữ kiện cần thiết, câu trả lời sẽ bật ra trong lúc bạn đang nghỉ ngơi giống như vô tình được thần linh mách bảo.
TS. Gary Klein, tác giả cuốn sách Trực giác hoạt động thì cho rằng, cái mà người ta thường gọi là khả năng nhìn thấy cái vô hình chính là những năng lực tiềm tàng của trực giác con người. Đặc biệt, đối với những người mà nghề nghiệp buộc họ phải đưa ra những quyết định sinh tử và tức thì như lính cứu hỏa, y tá cấp cứu hay lính trận là những người thường thấy xuất hiện giác quan thứ 6. Họ thường thực hiện các hành động theo một linh tính nào đó trong những tình huống khẩn cấp khi họ không thể chọn lựa hay đưa ra một quyết định có ý thức.
Linh tính không loại trừ tư duy, giống như kiến thức linh cảm không mâu thuẫn với tư duy phân tích. Linh tính có thể mách nước những ý tưởng thiên tài và trợ giúp có hiệu quả việc lựa chọn những quyết định hợp lý. Sẽ là sai lầm một khi chỉ dựa vào những lời mách nước của "nội tâm", nhưng sẽ tốt hơn khi vừa sử dụng linh tính, vừa sử dụng tư duy phân tích. Giác quan thứ 6 dựa trên chính "hai chân" như vậy.
(Theo sk và đs)