Einstein hai lần đưa ra thuyết tương đối. Lần đầu là “Thuyết tương đối hẹp” và lần sau là “Thuyết tương đối rộng” theo như một số người dịch. Tôi không muốn dùng chữ “hẹp”. Trong tiếng Anh, lần đầu viết là Theory of special relativity, người ta dùng từ special (đặc biệt) vì nó rất khác thường, hoàn toàn khác so với quan niệm quen thuộc của Newton. Thuyết này nói về sự tương đối của không gian, thời gian và khối lượng vật chất, đây là những khái niệm rất cơ bản, rất bao quát, rộng lớn chứ không thể gọi là hẹp được. Dùng từ “hẹp” vừa không đúng với nguyên văn vừa không đúng với khái niệm, mức độ rộng lớn mà nó đề cập. Thuyết tương đối của Einstein là một cuộc cách mạng lớn trong nhận thức khoa học, tuy nhiên vẫn còn những điểm hạn chế khi đối chiếu với giáo pháp của Thích Ca. (xem bài Chốt lại cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Khoa học)
Thích Ca chẳng những biết vũ trụ theo quan niệm của con người mà còn biết Tam giới bao gồm Dục giới (vũ trụ vạn vật), Sắc giới (cõi giới có hình tướng nhưng không có vật chất, ví dụ cõi âm của các vong linh), Vô sắc giới (cõi giới không vật chất không hình tướng, chỉ còn ý niệm như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ). Giáo pháp căn bản của Thích Ca là “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” tức là tất cả các pháp kể cả vật chất và phi vật chất đều là tâm thức. Khoa vật lý học của con người mãi đến khi môn cơ học lượng tử ra đời mới bắt đầu hiểu được giáo pháp đó. Các khoa học gia bắt đầu hiểu rằng thế giới vật chất mà họ biết được chỉ bao gồm một số ít hạt cơ bản. Mô hình chuẩn của vật lý có 17 hạt mà hạt sau cùng là higgs boson mới được khám phá và công bố ngày 4-7-2012.
Trong đó phần lớn vật chất trên địa cầu chỉ gồm có 3 loại hạt là quark up, quark down và electron. Niels Bohr nói rằng các hạt cơ bản chỉ là hạt ảo “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức là ảo chứ không phải vật thật). Nhưng khi ba hạt quark kết hợp lại thành hạt proton và hạt neutron trong hạt nhân nguyên tử thì chúng rất bền, tuổi thọ hàng tỉ năm, đó là lý do khiến chúng ta cảm nhận thế giới vật chất bền vững. Chính vì vật chất vốn là cấu trúc ảo, Phật giáo nói bản chất của nó là không, nó có tánh không, chỉ là ảo hóa chứ không phải thật. Vật chất chỉ là cấu trúc ảo, phải có các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não, (lục căn) hoặc thiết bị tương ứng mới cảm nhận được nó. Vật chất không có thực chất nhưng được lục căn cảm nhận và tưởng tượng thành vật chất. Tuy là ảo, là tưởng tượng nhưng nó có cấu trúc cụ thể nên sự cảm nhận rất chi ly rõ ràng. Cái tưởng tượng này Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng, tức tưởng tượng đã được lưu truyền rộng rãi trên thế gian. Nói tóm lại vật chất chỉ là hạt ảo quark, electron nhưng chúng ta thấy là sơn hà, đại địa, nhà cửa, xe cộ, đường sá. Nếu không có ai thấy và cảm nhận thì vật chất cũng chỉ là quark, electron chứ không phải nhà cửa, xe cộ, sông núi. Thích Ca thấy và chứng nghiệm như vậy nên mới nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Một số nhà khoa học cũng đồng tình như vậy. Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Nhưng Einstein không tin như vậy, ông nói : nếu không ai nhìn Mặt trăng thì chẳng lẽ Mặt trăng không tồn tại ? Chính vì Einstein cố chấp thế giới là khách quan nên ông rất bối rối trước hiện tượng rối, vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Ông không hiểu sao hai photon lại biến đổi theo nhau một cách tức thời không tùy thuộc định xứ (nonlocality) và vượt qua tốc độ giới hạn của vật chất 300.000 km/giây mà ông đã nêu trong thuyết tương đối. Ông bèn nói đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Sau này năm 2008, Nicolas Gisin và đồng sự của ông tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, làm lại thí nghiệm với nhiều điều kiện tối tân chính xác hơn xưa, thì thấy rằng hai photon cách nhau 18 km nhưng vẫn biến đổi tức thời theo nhau, nếu nói tín hiệu di chuyển từ photon này tới photon kia thì tốc độ phải là 10 triệu lần tốc độ ánh sáng, thật là không tưởng ! Vậy phải hiểu thế nào ? Khoảng cách 18 km chỉ là ảo, hai photon không phải là hai cũng không phải là một (Phật giáo gọi là bất nhị).
Mà không phải chỉ có thế giới lượng tử mới có hiện tượng đó. Thế giới đời thường cũng giống y như vậy, nhưng phải là người có đặc dị công năng mới thực hiện được. Khoảng cuối thập niên 1980, Hầu Hi Quý và một số nhân viên của một công ty du lịch ở Bắc Kinh, đi chơi hồ Mật Vân cách Bắc Kinh 50km trên một chiếc xe hơi, mà quên đổ đầy xăng, bận về xe họ hết xăng dọc đường. Hầu Hi Quý đã dùng vỏ bao diêm rót xăng vào bình, xăng từ Bắc Kinh cách đó 50 km, vượt qua khoảng cách đó mà không mất chút thời gian nào, giống như thần thoại và cũng giống như lượng tử. Trong một lần khác, mọi người thấy Hầu Hi Quý đang đứng trên lề đường, bỗng biến mất và xuất hiện ngay tức khắc trên balcon lầu ba của một cao ốc gần đó. Quả thật là ông đã di chuyển với tốc độ của ý niệm.
Vũ trụ vạn vật chỉ là tâm niệm, nên bậc giác ngộ như Thích Ca, thoát khỏi sự hạn chế của không gian, thời gian, vật chất, khởi niệm là đến, không phải là hoang đường, Hầu Hi Quý còn làm được cơ mà. Thích Ca còn có danh hiệu Như Lai (không đi không đến) là vì vậy.
Vết tích còn lưu lại là Tăng Già Thi (僧伽施 Sankasya) là nơi Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi 忉利 thuyết pháp cho mẫu hậu Ma Da và trở về sau ba tháng. Tại đây có một ngôi tháp được xây để kỷ niệm nơi trời Ðế Thích và Phạm thiên đã theo hầu đức Phật khi Ngài từ cõi trời thứ 33 trở về thế gian. Ngày nay, Sankasya là một làng nhỏ bé nghèo nàn dân số chưa tới 1000 người thuộc quận Mainpuri, bang Uttar Pradesh.
Bản đồ vị trí của Tăng Già Thi (Sankasya)
Trong bản đồ thánh tích Phật giáo, chúng ta thấy có địa danh Sankasya (Tăng Già Thi僧伽施 gần New Delhi ngày nay), địa danh này tương đối ít được biết. Đó là nơi Đức Phật dùng thần thông lên trời Đạo Lợi 忉利天thuyết pháp cho mẹ là hoàng hậu Ma Da nghe, Phật lên cõi trời chỉ một buổi thôi, nhưng người trần gian thấy là ba tháng, sau ba tháng Phật mới trở về trần thế, có Đế Thích và Phạm Thiên theo hầu. Điều đó cũng tương tự như pháp sư Khoan Tịnh đến viếng cõi Tây phương Cực lạc chỉ trong 20 giờ thôi, nhưng người đời thấy là 5 năm 6 tháng.
Cõi trời Đao Lợi (忉利天) ở đâu ? Chúng ta không thể tìm thấy trong vũ trụ này, nhưng không phải là không có. Theo Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johannesburg, South Africa, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết), hai người nói trong một định đề (postulate) : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘sát na hiện tiền’). Vậy cõi trời Đao Lợi nằm trong một vũ trụ song song với vũ trụ của chúng ta, thuộc các chiều kích không gian bị cuốn lại nên người trần không thể thấy, nhưng người có thần thông như Đức Phật thì có thể thấy và đến được. Đến bằng cách nào ? Bằng cách dùng tâm niệm, chỉ một niệm là đến. Đây là phương thức di chuyển chủ yếu trong Tam giới.
Các nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Nhã, có khả năng tiếp xúc với vong linh người đã chết, họ nói rằng chết không phải là hết. Vong linh đi đầu thai chuyển kiếp, lên cõi trời của chư thiên, xuống địa ngục hoặc vãng sanh, siêu thoát sang thế giới tây phương cực lạc của Phật A Di Đà đều bằng tâm niệm cả. Người mang nghiệp thì không được tự do tự tại mà do nghiệp dẫn dắt. Còn người tu hành giác ngộ không còn nghiệp thì sinh tử tự do, họ có thể đến một thế giới vì một đại sự nhân duyên nào đó. Nói như thế có vẻ hoang đường nhưng chúng ta đã biết rằng cơ học lượng tử và thần thoại không còn ranh giới. Những việc mà những người có đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý làm đều giống như thần thoại, nhưng đó là người thật việc thật.
Khoa học hiện nay đã tới đường cùng, toán học, vật lý học, sinh vật tiến hóa luận đều rơi vào ngõ cụt. Một số nhà khoa học như David Bohm nêu khái niệm vũ trụ là toàn ảnh tức là ảo ảnh ba chiều xuất hiện từ dữ liệu nền hai chiều, vận động của vũ trụ ba chiều (chưa nói tới chiều thời gian) có thể được ghi lại trên mặt phẳng hai chiều và tái hiện lại. Craig Hogan thì nói vũ trụ là số tức là thông tin, cũng tương tự như thế giới vi tính ảo của chúng ta, chỉ cao cấp hơn mà thôi.
Khoa học là có giới hạn. Với tốc độ 50.000 km/giờ, các phi thuyền hiện nay chỉ có thể bay quanh quẩn trong thái dương hệ. Giả dụ con người một ngày nào đó chế tạo được phi thuyền bay với vận tốc gần bằng ánh sáng. Theo lý thuyết tương đối của Einstein con người có thể đi tới những hành tinh xa xăm để tìm kiếm sinh vật khác trong vũ trụ, đi và về tối đa trong khoảng một đời người, trong khi trên địa cầu hàng ngàn hàng vạn năm đã trôi qua. Như vậy thì chuyến đi đó còn có ý nghĩa gì ? Vận tốc ánh sáng vẫn còn là quá chậm.
Như vậy trong tam giới (còn rộng lớn hơn cả vũ trụ) Phật, Bồ Tát đi cứu độ, và chúng sinh đi đầu thai chuyển kiếp, đều phải đi bằng vận tốc của ý niệm, đó mới là thực tế. Hay nói cách khác là không có đi đâu cả (Như Lai), tất cả cõi giới đều là tâm niệm, là ảo chứ không phải thật. Thích Ca đã phát hiện ra tánh không của vật chất, tất cả vật chất khắp vũ trụ đều không có thực chất, đều chỉ là tâm thức cả. Các nhà vật lý hiện nay đã thấy chỗ bế tắc của vật lý học, họ biết rằng vật chất không có thực thể nên họ lập ra một ngành khoa học mới gọi là Cơ học lượng tử tương quan (Relational Quantum Mechanics viết tắt RQM) diễn giải rằng vật chất chỉ là mối tương quan lượng tử giữa các cấu trúc ảo, nguyên tử không phải là vật. (Heidenberg : ““Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật). Mối tương quan giữa con người với các cấu trúc tiềm thể đó chính là cái được gọi là vật chất như thân thể, cái nhà, chiếc xe.
Thích Ca biết rõ tất cả vật chất khắp vũ trụ đều không có thực chất, đều chỉ là tâm thức cả, nên không có lòng tò mò đi đến những hành tinh, thế giới không có chúng sinh để làm gì, mà chỉ phát nguyện đến những thế giới có chúng sinh mê muội đang bị đau khổ để cứu độ họ, như cõi trần gian này chẳng hạn. Khi Thích Ca vừa ra đời, đạo sĩ A Tư Đà đã đoán biết người này sẽ trở thành một bậc đại giác ngộ, sẽ giáo hóa chúng sinh giác ngộ, thoát khổ. Phật pháp do Thích Ca tuyên thuyết, đó chính là khoa học tâm linh, là con đường giải thoát cho chúng sinh mê muội đau khổ. Kinh điển do Phật thuyết và do các Tổ Sư về sau phát triển được tập họp lại trong bộ sách đồ sộ nổi tiếng thế giới là Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh xuất bản tại Tokyo từ năm 1924-1934 gồm khoảng 80 tập, mỗi tập dày khoảng 1000 trang. Thích Ca có đóng góp rất lớn trong đời sống tâm linh, tinh thần của nhân loại. Hiện nay trên thế giới có mấy trăm triệu tín đồ Phật giáo và không biết bao nhiêu người sống theo giáo lý của nhà Phật, những người thuần thành tin tưởng Phật pháp có thể tìm thấy cho mình sự an lạc trong tâm hồn.
Phật pháp là một hệ thống nhận thức về cả hai phương diện vật chất và tâm linh rất cao nhưng thiên về tâm linh, giác ngộ, giải thoát khổ đau, chứ không nhằm tìm kiếm tiện nghi đời sống vật chất. Các khoa học khác của con người như toán học, vật lý học, sinh học, một khi đã đi hết con đường vật chất, ắt phải đi tiếp con đường tâm linh nếu không sẽ bế tắc. Trong đời sống cá nhân của con người cũng thế, một khi đời sống vật chất đã đầy đủ, nếu không hướng tới con đường tâm linh an lạc thì sẽ làm gì ? Các pháp trên thế gian đều vô thường, như hoa đẹp sớm nở tối tàn, người đẹp rồi có lúc cũng già, bệnh, chết. Các quốc gia có lúc hưng thịnh cũng có lúc suy tàn, các công trình vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành, cũng có lúc trở thành phế tích. Chỉ có bản tâm bất sinh bất diệt, như hư không vô sở hữu mới là vĩnh cửu. Thích Ca phát hiện Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Phật tử bỏ cái ta giả đầy phiền não để hội nhập với cái Tâm chung của tất cả chúng sinh chính là con đường hạnh phúc chân thật, vững chắc, mà Thích Ca đã hướng dẫn trong kinh điển, là đóng góp vĩ đại của Thích Ca cho nhân loại.
(Truyền Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét