Cuộc sống đời thường của chúng ta là có định xứ (locality) hay có vị trí nhất định trong không gian và trong thời gian xác định. Ví dụ ta có một điện thoại di động iPhone hoặc một điện thoại di động cao cấp (smartphone), ta có thể dễ dàng xác định vị trí của mình trong không gian trên mặt địa cầu nhờ hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System). Nó sẽ hiện ra một tấm bản đồ và một mốc đánh dấu vị trí hiện tại của mình nhờ thiết bị GPS gắn trong điện thoại. Dựa vào tên một con sông hay một con đường mà mình đã biết, ta sẽ xác định được vị trí mà mình đang đứng, và có thể đi đến một địa điểm khác dựa vào bản đồ, mặc dù đây là một thành phố hay một nơi chốn hoàn toàn xa lạ. Thời gian trên điện thoại là thời gian địa phương ta đang ở. Điện thoại cũng sẵn sàng cung cấp cho ta thời gian của nhiều thành phố trên thế giới.
Cuộc sống đời thường của chúng ta cũng gắn liền với số lượng hạn chế. Ví dụ tiền lương, tài sản, vật dụng, cơm ăn, áo mặc v.v… của mình đều là những số lượng hạn chế.
Chúng ta đã quá quen thuộc với sự xác định về không gian, thời gian và số lượng vật chất, năng lượng mà mình sử dụng hàng ngày. Ta sống trong một làng quê hay một thành phố thuộc một đất nước nào đó trên mặt địa cầu, cuộc đời của ta bị hạn định trong khoảng thời gian trên dưới 100 năm, dù giàu hay nghèo ta cũng chỉ có một số lượng của cải vật chất có hạn. Có lẽ chúng ta còn quá xa lạ với khái niệm khắp không gian, khắp thời gian và vô số lượng.
Khắp không gian có nghĩa là bất định xứ (nonlocality), không bị hạn chế ở một vị trí nhất định trong không gian. Trong cuộc sống đời thường chúng ta không thấy cái gì bất định xứ, nhưng trong thế giới ảo thì có. Thật vậy, một địa chỉ email là bất định xứ. Tuy nó được lưu trữ tại một server nhất định, đặt tại một đất nước nào đó, nhưng khi nó đã lên mạng internet và được truyền đi với tốc độ ánh sáng, thì đối với chúng ta là người sử dụng email, địa chỉ đó trở thành bất định xứ, tức là nó có mặt ở khắp không gian trên quả địa cầu. Bất cứ ở nơi nào trên thế giới, ta đều có thể vào mạng internet mở thư của mình ra coi. Báo chí điện tử, thông tin trên blog, đều là bất định xứ, chúng có thể dễ dàng đến khắp mọi hang cùng, ngõ hẽm, giữa đại dương hay trên sa mạc, bất cứ nơi nào có sóng 3G, 4G hay bất cứ loại sóng nào có mang thông tin internet, thì đều có thể dễ dàng đến với mọi người.
Vậy yếu tố nào quyết định một vật là bất định xứ hay định xứ ? Đó là tốc độ. Với tốc độ ánh sáng, thông tin trên internet đủ sức trở thành bất định xứ trên phạm vi địa cầu. Với đường kính trung bình 12742 km, thông tin trên internet truyền đi với tốc độ ánh sáng, có thể đến bất cứ địa điểm nào trên quả địa cầu không đầy một giây đồng hồ, nên ta có cảm tưởng không mất thời gian. Nhưng điều đó chỉ có giá trị trên địa cầu. Đối với không gian vũ trụ mênh mông thì tốc độ ánh sáng trở nên quá chậm. Nên tính chất bất định xứ của thông tin điện tử cũng trở nên vô hiệu. Do đó tính chất khắp không gian của thông tin điện tử chưa có ý nghĩa hiện thực trong phạm vi rộng lớn của vũ trụ. Chúng ta bắt buộc phải tìm hiểu những điều sâu xa hơn nữa của thế giới.
Khoa học từng biết tới một hiện tượng vật lý gây kinh ngạc cho các nhà khoa học, đó là hiện tượng rối hay vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Hiện tượng rối lượng tử mới được khoa học tái lập thí nghiệm, chứng thực năm 2008, là thực nghiệm tiêu biểu xác nhận tính tương đối của không gian, thời gian và số lượng, tức là cả ba đại lượng trên đều không độc lập tồn tại. Hiện tượng rối lượng tử là hiện tượng các hạt cơ bản như photon, electron, proton, neutron, và kể cả nguyên tử, có thể xuất hiện đồng thời tại hai hoặc nhiều vị trí khác nhau, khiến người quan sát không thể xác định chúng là một hạt cùng lúc ở nhiều vị trí, hay là nhiều hạt giống hệt nhau ở tại các vị trí khác nhau. Nhưng điều quan trọng là nếu có sự biến đổi của một hạt ở vị trí này thì tất cả các vị trí khác đều biến đối y hệt, tức thời, bất kể khoảng cách bao xa. Nicolas Gisin, nhà vật lý của Đại học Geneve phát biểu : “điều thú vị ở đây là tự nhiên có thể tạo ra các sự kiện cùng xuất hiện ở nhiều địa điểm”. Các nhà khoa học tại Geneve, Thụy Sĩ tạo ra những cặp photon hoặc các gói ánh sáng. Chúng được chia ra rồi truyền qua cáp quang được Swisscom cung cấp, đến hai trạm tại hai ngôi làng thuộc Thụy Sĩ cách nhau khoảng 11 dặm (18 kilômét). Các trạm khẳng định rằng từng cặp photon vẫn kết nối với nhau – bằng cách phân tích một photon, các nhà khoa học có thể dự đoán tính chất của photon kia. Hai photon đã tương tác với nhau một cách tức thời. Nếu cho rằng hai photon đã chuyển tín hiệu cho nhau thì tín hiệu đó phải di chuyển với tốc độ không tưởng, gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng.
Hiện tượng rối lượng tử xác định rõ ràng rằng không gian, thời gian và số lượng là không có thật, các đại lượng này chỉ phát sinh trong tâm thức của người quan sát khi có đủ điều kiện. Khoa học hiện đại hiểu rằng người quan sát có vai trò quan trọng trong việc hình thành các hiện tượng.
Lượng tử (photon, electron, neutrino hay các hạt cơ bản khác) rõ ràng có tính bất định xứ, đây là tính bất định xứ thật sự (khác với email hay thông tin điện tử là bất định xứ trong phạm vi giới hạn của tốc độ ánh sáng) nó có giá trị khắp không gian hay nói cách khác không gian không có thật, không gian chỉ là cảm giác giác quan của chúng ta mà thôi.
Vũ trụ của chúng ta là một cấu trúc ảo, cấu thành bởi ba yếu tố : không gian, thời gian và số lượng vật chất hay năng lượng. Thiếu một trong 3 yếu tố thì vũ trụ không thành lập được. Vũ trụ là cấu trúc ảo vì nó thành lập từ các hạt ảo như quark, electron, photon. Các hạt này là ảo vì không thể bắt chúng dừng chuyển động, cô lập, tách riêng ra để nghiên cứu, làm như thế thì chúng sẽ biến mất. Vì là một cấu trúc ảo nên vũ trụ vạn vật chỉ xuất hiện trong tâm thức của chúng sinh. Nó đòi hỏi phải có sự tưởng tượng lầm lạc thì vũ trụ vạn vật mới thành lập được.
Tính chất bất định xứ không chỉ xảy ra với lượng tử, thực nghiệm của Trương Bảo Thắng còn cho thấy rằng hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) không chỉ xảy ra với photon, mà nó còn xảy ra với những vật thể có khối lượng tương đối lớn, như với một quả trứng, hay một bao đường cát 50kg, hoặc chính thân thể anh ta cũng nặng cỡ hơn 50kg. Đó là công năng di chuyển vật thể bằng ý niệm. Không ai có thể theo dõi được quá trình di chuyển của vật thể. Không một thiết bị nào có khả năng theo dõi. Nó xảy ra tức thời không mất chút thời gian nào khi vật di chuyển từ A đến B, không tùy thuộc khoảng cách. Đến nỗi chính bản thân Trương Bảo Thắng cũng không kịp cảm nhận cảm giác thế nào khi vật di chuyển. Điều này do chính anh tự thuật bằng văn bản do anh tự viết trong hồi thứ 21 của quyển sách “Siêu nhân Trương Bảo Thắng”. Anh viết như sau :
Công năng di chuyển vật thể
Thông thường mà nói, ý nghĩa của di chuyển vật thể là dùng bất cứ hình thức lực vật chất nào để thay đổi vị trí của vật thể, thế nhưng công năng của tôi lại là sử dụng ý niệm lực (tức không phải lực vật chất) để khiến vật thể di động. Loại chuyển động này dưới góc nhìn của người khác, có hai đặc điểm sau :
a/ không nhìn thấy quá trình di chuyển của vật thể
b/ loại chuyển động này đôi khi không bị chướng ngại của không gian ba chiều hạn chế
Như tôi đã làm thực nghiệm tại học viện Sư Phạm Bắc Kinh, đem một quả trứng gà trong lòng bàn tay di chuyển vào hộc tủ của một cái bàn cách xa vài mét trong lúc hộc tủ vẫn khóa. Theo lý thông thường thì không thể không mở hộc tủ mà đặt quả trứng vào được. Cái bàn cách xa chỗ tôi ngồi vài mét, người khác không thể thấy được quá trình quả trứng di chuyển từ tay tôi vào trong hộc tủ. (xem “Nhân thể đặc dị công năng nghiên cứu” kỳ 1 năm 1983). Lại nữa, tháng 9-1983 tôi ở tại thành phố Hô Hòa Hạo Đặc (Hohhot, Nội Mông) thực hiện lấy ra từ một chai thuốc chưa mở nắp, 36 viên vitamin B1. Loại thí nghiệm này tôi thực hiện rất nhiều lần.
Trong lúc di chuyển vật, cảm giác của cá nhân tôi, so với thấu thị không giống nhau lắm.
Đương nhiên trước hết, cũng phải đi vào một loại trạng thái. Việc này thì giống như thấu thị. Sau đó, lúc tôi dùng tay nắm bắt vật thể, trước hết tôi cần làm cho vật thể xuất hiện trước mắt, hoặc có thể nói là xuất hiện trong não. Tiếp đó dùng ý niệm nghĩ mang nó chuyển đi, định hướng, định điểm di chuyển là việc khó khăn và hao phí sức, còn tùy tiện khiến nó di chuyển một chút thì dễ dàng, giống như thuận tay ném đi, vật thể đó có thể bị chuyển đến một nơi nằm ngoài ý định của người. Thường có người hỏi tôi trong giây phút vật thể di chuyển đi, thì cảm giác của tôi thế nào, tôi cũng nhiều lần thử theo dõi “cảm giác” của mình, nhưng sự bất thành, vì việc di chuyển xảy ra trong chớp mắt, trong chớp mắt đó tôi chỉ cảm thấy đầu óc như hô lên một tiếng thì đã qua rồi, chỉ có thế, rất khó nói là có cảm giác gì hơn nữa.
Tôi nói thêm một điểm, trong quá trình di chuyển vật thể, người khác không thể nào thấy được, nhưng tôi thì cảm giác vật thể có loé lên một chuyển động trong não, khi nó theo ý niệm xác định của tôi di chuyển đến một nơi nào đó hoặc chuyển đến một nơi tùy tiện, tôi đột nhiên có cảm giác về địa điểm nó muốn tới, nhưng cũng có lúc sự di chuyển tùy tiện cho kết quả là tôi phải nghĩ rất lâu mới tìm thấy nó. Ngoài ra phương hướng của vật thể do tôi ném đi (bằng ý niệm), đa phần ở hai bên phương hướng đường đi của nó, rất ít khi đúng theo phương hướng đó. Đương nhiên đa phần nó rơi xuống chỗ người ta khó thấy.
Đó là vài điểm cảm giác hiển bày nông cạn, tôi có thể nói được về chính mình và đặc dị công năng của mình, mong nó hữu ích cho việc nghiên cứu đặc dị công năng của nhân thể.
Nhận xét một vài điểm tương đồng giữa hiện tượng rối hay vướng víu lượng tử và công năng di chuyển vật thể bằng ý niệm của Trương Bảo Thắng :
Tính chất bất định xứ : photon là lượng tử, nó tự nhiên có tính bất định xứ. Vật thể như quả trứng trong điều kiện bình thường có tính định xứ. Nhưng trong điều kiện bị chi phối bởi ý niệm lực hay tâm lực, nó cũng trở thành bất định xứ. Nghĩa là có thể di chuyển trong tức thời đến một nơi nào đó do ý niệm chỉ định một cách chính xác, hoặc một vùng không gian tương đối rộng không xác định chính xác.
Tính chất tức thời : giữa hai photon đang vướng víu với nhau, nếu một photon có sự biến đổi thì photon kia cũng biến đổi theo tức thời, không mất chút thời gian nào, bất kể khoảng cách bao xa. Tính chất tức thời cũng xảy ra đối với vật thể. Chẳng hạn quả trứng đang nằm trong lòng bàn tay của Trương Bảo Thắng, trong tức thời nó bỗng nhiên nằm trong hộc tủ cách đó vài mét, không ai có thể nhìn thấy, không một thiết bị nào có thể theo dõi quá trình di chuyển. Giống như đối với photon trong hiện tượng rối lượng tử, không có sự di chuyển hay truyền tín hiệu giữa hai photon, vật thể đang từ chỗ này đột ngột xuất hiện ở chỗ khác mà không có sự di chuyển, không thấy được quá trình di chuyển của nó.
Tính chất vô ngại : Không gì có thể làm trở ngại sự liên kết của hai photon. Tương tự như vậy, không một cố thể vật chất nào, dù bằng sắt hay bằng đá có thể ngăn cản được vật thể, giống như kinh Hoa Nghiêm nói : Sự Sự vô ngại pháp giới. Không có cách gì ràng buộc, cột trói được vật thể không cho nó di chuyển. Hộc tủ khoá không ngăn được quả trứng đi vào bên trong hộc tủ. Vỏ chai, nắp chai không cản được các viên thuốc đi ra ngoài. Trong một lần biểu diễn khác, Trương Bảo Thắng dễ dàng lấy được áo ngực và áo lót của một nữ ảo thuật gia người nước ngoài đang mặc trong người, trong khi bà ta vẫn mặc áo khoác bên ngoài, vì bà ta không tin Bảo Thắng có công năng dùng ý niệm di chuyển được vật thể, cho rằng anh chỉ làm ảo thuật và muốn vạch mặt anh trước công chúng. Một lần khác anh dùng ý niệm lấy sợi dây nịt mà một nhà triết học duy vật đang mang trong lưng quần, khiến ông ta bị tuột quần, trong khi ông ta đang đọc diễn văn phê phán nhân thể đặc dị công năng tại hội trường.
Hiện tượng rối lượng tử mà khoa học đã chứng thực, cũng như hiện tượng nhân thể đặc dị công năng mà Trương Bảo Thắng đã biểu diễn thực nghiệm chứng tỏ rõ ràng rằng không gian thời gian và số lượng vật chất chỉ là khái niệm trong trong tâm thức, là ảo tưởng cao cấp mà toàn bộ các giác quan của chúng ta như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều có thể tiếp xúc và đều xác nhận là thật, nhưng đó chỉ là cảm giác lầm lẫn, bị đánh lừa.
Chúng ta bị các giác quan đánh lừa vì bị hạn chế về tốc độ. Chúng ta thấy có không gian vì khả năng di chuyển của chúng ta quá chậm. Nếu đi bộ thì chỉ được 3km/giờ. Đi xe đạp có thể đạt 10-20 km/giờ. Đi xe hơi có thể đạt 60-100km/giờ. Đi máy bay có thể đạt 800km/giờ. Những tốc độ này đều quá chậm so với tốc độ của ánh sáng 300.000 km/giây. Chính tốc độ giới hạn sinh ra ý niệm không gian, khoảng cách. Và chính khoảng cách không gian sinh ra ý niệm thời gian. Ngoài ra sự biến đổi của mọi vật cũng sinh ra ý niệm thời gian. Và chính do không gian thời gian hữu hạn sinh ra ý niệm số lượng. Ngoài ra do khả năng hạn chế cũng sinh ra ý niệm số lượng. Ví dụ vì khả năng sản xuất xăng dầu là có hạn nên chúng ta mới có khái niệm về số lượng năng lượng. Nếu có thể lấy nước để chạy máy thay cho xăng dầu thì chúng ta sẽ mất khái niệm về số lượng năng lượng bởi vì nước có sẵn quá nhiều. Một thí dụ khác, nếu chúng ta thuê đường truyền ADSL theo phương thức tính tiền theo lưu lượng thông tin, thì chúng ta phải quan tâm đến số lượng thông tin tính bằng MB hoặc GB, còn nếu chúng ta thuê bao trọn gói, sử dụng không hạn chế thì tất nhiên ta không còn quan tâm, không cần biết đến số lượng của lưu lượng thông tin nữa.
Bởi vậy khi lên mạng internet chúng ta có thể truyền tín hiệu đi với vận tốc ánh sáng, thì đã thấy rằng mọi khoảng cách trên địa cầu đều không còn nữa, chúng ta có thể nói chuyện suốt buổi, suốt ngày với bạn bè bên kia quả địa cầu giống như đang ngồi bên cạnh.
Nhưng tốc độ của ánh sáng vẫn còn là hạn chế trong vũ trụ bao la. Phật pháp nói rằng “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới) đều là tâm, tất cả các pháp đều là thức. Bậc giác ngộ như Đức Phật đã chứng ngộ điều đó, có đủ 6 thứ thần thông, khả năng vượt xa Trương Bảo Thắng không biết bao nhiêu lần, thì thoát khỏi tất cả mọi thứ hạn chế, không còn bị bất cứ cái gì hạn chế nữa. Như vậy tốc độ không hạn chế, muốn đến bất cứ cõi giới nào, bất kể bao xa, chỉ một niệm là đến. Với khả năng không hạn chế như vậy thì không gian, thời gian và số lượng đều không còn nữa. Bởi vậy Phật mới có danh hiệu là Như Lai. Như Lai có nguồn gốc tiếng Phạn (Tathagata – beyond all coming and going) có nghĩa không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Sở dĩ như vậy vì với tốc độ vô hạn, không gian đã không còn, tất cả cõi giới đều là tâm cảnh, tất cả các pháp đều là tâm thức, đều là ảo. Đã là ảo thì vật chất hay năng lượng đều là vô lượng, không có số lượng, không có thật.
Tóm lại Kinh sách Phật giáo nói khắp không gian, khắp thời gian, vô lượng hay vô số lượng là nói tới cảnh giới giác ngộ, thoát khỏi luân hồi sinh tử, thoát khỏi mọi ràng buộc, hạn chế. Điều đó còn có nghĩa là không gian, thời gian và số lượng cũng không có thật, đó chỉ là tâm niệm của chúng sinh. Nói thoát khỏi cũng chỉ là một cách nói. Kỳ thật chỉ là chứng ngộ bản tâm như hư không vô sở hữu, nhận ra tất cả chỉ là huyễn ảo, biến hoá, là cái dụng của tâm chứ không có gì là thật cả.
Truyền Bình
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét