Phật giáo nói rằng cuộc sống ở thế gian là thế lưu bố tưởng. Thế lưu bố tưởng là tưởng tượng bình thường được lưu truyền rộng rãi qua nhiều đời của thế nhân. Trong kinh “Đại bát Niết bàn” do ngài Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa) pháp sư người Ấn dịch, Phật nói với Ca Diếp :
"Tất cả phàm phu có hai loại tưởng tượng, thứ nhứt là thế lưu bố tưởng, thứ hai là trước tưởng. Tất cả bậc thánh nhân chỉ có thế lưu bố tưởng mà không có trước tưởng. Tất cả phàm phu vì dựa vào cảm giác sai lầm của giác quan , từ thế lưu bố tưởng sinh ra trước tưởng. Tất cả bậc thánh vì có chánh giác thấu suốt, từ thế lưu bố tưởng không sinh ra trước tưởng. Vì vậy mới gọi cái thấy của phàm phu là điên đảo tưởng. Thánh nhân tuy cũng có tri giác (giống phàm phu) nhưng không gọi là điên đảo tưởng"
Ý chỉ trong kinh hàm súc nhưng quá ngắn gọn nên hơi khó hiểu, các bậc thiện tri thức ở Trung Hoa đã diễn giải thêm cho rõ nghĩa :
Thế lưu bố tưởng là thấy trâu nói là trâu, thấy ngựa nói là ngựa. Chấp trước tưởng, tức là thấy cái gì đều chấp (giữ chặt) cái đó cho là có thật. Phàm phu do vô minh, cái thấy bị tình cảm sai khiến nên điên đảo, còn thánh nhân trí tuệ sáng suốt, đối với mọi cảnh giới đều không mê chấp cho là có thật. Thơ vịnh hoa của bậc Cổ Đức nói:
何须待零落 Hà tu đãi linh lạc Chẳng cần chờ hoa rụng
方知本来空 Phương tri bổn lai không Mới biết xưa nay không
Tất cả danh lợi, địa vị, nam nữ, tình cảm, xưa nay vốn là không có thực, hà tất phải mò trăng đáy nước, tự làm khổ mình, không bằng tùy duyên mà làm, khiến cho tất cả chúng sinh tự giác ngộ không phải hơn sao ? )
Tại sao đối với thế giới vật chất như sơn hà đại địa, sinh vật, con người v.v… Phật nói đó là tưởng tượng thông thường của thế gian, không phải thật ? Ngày xưa đây là điều vô cùng khó hiểu, không ai tin nổi, nhưng ngày nay, điều đó đã được khoa học chứng minh một cách rõ ràng với việc phát minh ra máy vi tính và các phát kiến khoa học mới. Tất cả mọi hiện tượng trên màn hình vi tính như hình ảnh, chữ viết, âm thanh, màu sắc, video đều chỉ là ảo, bản chất của mọi hiện tượng đó chỉ là điện tử được qui về hai trạng thái : có dòng điện ký hiệu là 1, không có dòng điện, ký hiệu là 0. Từ 0 và 1 người ta có thể biểu diễn rất nhiều hình thái hoạt động của con người như thơ văn, sách vở, tư tưởng, phim ảnh, ca nhạc, thông tin liên lạc nhất là viễn thông, vô cùng tiện lợi. Không ai còn nghi ngờ về thế giới ảo, thế giới của điều khiển học (Cybernetics), của kỹ thuật số (Digital).
Thế giới ngoài đời cũng tương tự như vậy, chỉ phức tạp hơn mà thôi. Phần nhỏ nhất của vật chất, ngày nay người ta biết rằng chỉ có vài loại hạt cấu tạo nên toàn bộ vật chất trên địa cầu, cơ bản nhất là hạt quark, hai loại thường thấy nhất là quark up và quark down, chúng tạo nên hạt proton và hạt neutron, những hạt này là thành phần của hạt nhân nguyên tử. Quay chung quanh nhân là các hạt điện tử (electron) chuyển động với tốc độ rất nhanh từ vài ngàn đến vài chục ngàn km/s. Chính vì các điện tử chuyển động nhanh như vậy trong không gian rất nhỏ của nguyên tử nên chúng ta có cảm giác nguyên tử là có thật, vật chất là có thật, cứng chắc, chứ thật ra nguyên tử là trống rỗng, chẳng có gì cả. Ngoài ra thế giới vật chất còn bao hàm một vài loại hạt cơ bản khác như một số hạt đồng loại với quark, electron và vài loại khác như quang tử (photon), neutrino. Tất cả vật chất cũng như các loại hạt cơ bản của vật chất được qui về năng lượng, phần nhỏ nhất của năng lượng gọi là lượng tử. Các lý thuyết vật lý hiện đại đều được xây dựng trên lượng tử, ví dụ Cơ học lượng tử (Quantum Mechanics), Sắc động lực học lượng tử (Quantum ChromoDynamics viết tắt QCD)… Bài thuyết pháp về Ngũ uẩn (五蘊 sa. pañca-skandha) và Thập nhị nhân duyên (十二因縁, sa. dvādaśanidāna) của Đức Phật chỉ rõ sự hình thành thân xác và cảm giác của loài hữu tình mà đại biểu là con người, cũng như của thế giới vật chất nói chung. Cơ chế ảo hóa chính là lục căn, lục trần, lục thức gọi chung là 18 giới.
Phàm phu ngày nay cũng biết rõ các hiện tượng trên màn hình vi tính là ảo, nhưng không biết, không tin nổi các sự vật, hiện tượng ngoài đời cũng là ảo, do đó sinh ra mê chấp cho là thật và phải chịu luân hồi sanh tử trong cảnh khổ. Bậc thánh thì tự thân chứng được các hiện tượng ngoài đời cũng là ảo nên không chấp trước, không có trước tưởng, còn việc nhận thức các sự vật như núi non, sông hồ, nhà cửa, sinh vật, nam nữ… gọi chung là thế lưu bố tưởng thì cũng chẳng khác phàm phu, nhưng vì biết rõ là ảo nên không sinh lòng tham ái.
Theo PG, chỗ tận cùng bản chất con người là Phật tánh. Phật là người giác ngộ, Phật tánh là tánh giác ngộ hay giác tánh. Giác tánh là tánh biết bất nhị, bất nhị là không phải hai cũng không phải là một. Bất nhị là không có người biết (năng tri) cũng không có cái được biết (sở tri). Để hiểu rõ về tánh bất nhị, xin hãy xem lại hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement). Thiên nhiên có thể tạo ra đồng thời hai hay nhiều hạt photon, chúng có thể ở tại những vị trí cách xa nhau, khi một hạt bị tác động, tức thời các hạt khác cũng bị tác động y hệt, không mất chút thời gian nào, bất kể khoảng cách là bao xa. Hiện tượng này bộc lộ nhiều tính chất mà chúng ta khó tưởng tượng nổi :
Tính bất nhị, nghĩa là không có số lượng, hay số lượng chỉ là tưởng tượng chứ không có thật. Ta nói chỉ có một photon hay có nhiều photon đều không đúng. Thật tế là không thể xác định được. Vì vậy trong Kinh nói “Phàm cái gì có thể nói ra (hay xác định) đều không có nghĩa thật”. Cũng vì vậy, Đức Phật sau 49 năm đi thuyết pháp, giảng không biết bao nhiêu bộ kinh, trước khi nhập diệt, đã tuyên bố : “ Ta chưa hề nói một chữ nào”.
Tính không thật của không gian. Khoảng cách không gian là không có thật, chỉ có trong tâm thức mà thôi. Chính vì vậy, hạt photon đã không mất chút thời gian nào để truyền tín hiệu sang hạt khác, hay không hề có việc truyền tín hiệu đi, nếu có thì thật là phi lý, vì chẳng lẽ tín hiệu truyền đi với tốc độ gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng ?
Tính không thật của thời gian. Thời gian cũng chỉ là sản phẩm của tâm thức chứ không có thật. Bởi vì thời gian là một chiều kích gắn liền với không gian, nên không gian không thật thì thời gian cũng không thật.
Thuyết tương đối của Einstein cũng nói rằng thời gian có thể co dãn. Câu chuyện nghịch lý về hai anh em song sinh của Langevin minh thị ý nghĩa thời gian có thể co dãn, thời gian khác nhau ở hai hệ qui chiếu khác nhau. Thiền sử Trung Hoa có kể 2 câu chuyện thực nghiệm về thời gian không thật. Nhà sư Huệ Trì 慧持 là em ruột của Tổ Tịnh Độ tông Huệ Viễn (慧遠 334~416 ) sống vào đời Tấn ở Trung Quốc.
Khi Huệ Viễn tổ chức một thời pháp Niệm Phật ở Lư Sơn thuộc tỉnh Giang Tây thì Huệ Trì từ giã anh, đi vân du ở Tứ Xuyên, thấy có một bọng cây lớn, ông vào ngồi nhập định, hoàn toàn không biết về tất cả mọi việc xảy ra. Cửa bọng cây lâu ngày khép lại, ông cũng không hay. Đến khi cây bị sét đánh, bọng cây bị vỡ, ông té ra ngoài, cũng không hay biết. Trẻ mục đồng nhìn thấy ông, chúng gọi người đến, ông vẫn còn nhập định. Người ta đưa ông đến kinh đô, tại đây có các thiền sư, họ làm cho ông xuất định. Ông nói rõ tên họ và xác định mình là em ruột của Huệ Viễn, một người nổi tiếng, và hỏi thăm ông anh ra sao. Mọi người vô cùng kinh ngạc vì Huệ Viễn đã tịch hơn 700 năm rồi. Họ hỏi ông nhập định bao lâu. Ông nói mới có một lát thôi mà. Như vậy đối với Huệ Trì thời gian hơn 700 năm là không có.
Câu chuyện thứ hai là về Hư Vân 虚云lão hòa thượng (1840-1959) của thời hiện đại.
Ông cùng các vị đồng tu ở trên núi Chung Nam 终南山, gần Trường An, quanh năm phủ tuyết, mỗi người ở một cái cốc cách xa nhau, thức ăn chỉ đào những củ khoai rất cứng trên núi, người thường ăn không nổi. Một hôm, ông bỏ củ khoai vào nồi nấu rồi ngồi nhập định lúc nào chẳng hay. Lúc đó vào dịp Tết, những người bạn đồng tu ở xung quanh thấy lâu không gặp, bèn rủ nhau đến thăm, thấy ông đang nhập định, liền búng lỗ tai khiến ông xuất định và hỏi ông nhập định bao lâu rồi. Ông đáp: “Mới hồi nảy, chắc nồi khoai đã chín rồi”. Nhưng khi mở nắp nồi thấy mốc đã lên cao, chứng tỏ nửa tháng đã trôi qua. Như vậy đối với Hư Vân thời gian nửa tháng là không có.
Hai câu chuyện trên chứng tỏ thời gian là sản phẩm của tâm thức chứ không phải thật. Các thiền sư nhập định sâu tận tiềm thức, tâm thức ngừng hoạt động thì thời gian cũng ngừng. Nếu Câu chuyện nghịch lý của Langevin chỉ là tưởng tượng dựa trên cơ sở khoa học, thì hai câu chuyện trên là thực nghiệm người thật việc thật. Hư Vân sống cùng thời đại với chúng ta và thọ tới 120 tuổi.
Hòa thượng Thích Duy Lực đã từng nói về Huệ Trì và bản chất của thời gian cũng như các hiện tượng lạ thường mà một số người có công năng đặc dị đã thể hiện.
Giác tánh vô hình, vô tướng, không hạn lượng, mới đích thực là bản chất của con người cũng như của vạn vật. Giác tánh có những tính chất như thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc và suy tưởng. Những tính chất này bất biến, vô sinh, vô diệt, và do đó vô thủy, vô chung. Chính giác tánh hướng dẫn cho vật chất cấu thành lục căn tức 6 cơ quan nhận thức của sinh vật và con người, là : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và bộ não. Lục căn tiếp xúc với lục trần, là : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sinh ra lục thức là 6 loại nhận thức nói trên, trong đó tư duy là một loại nhận thức cao cấp rất phát triển ở con người.
Theo PG, thì thế giới vạn vật chỉ là ảo giác chứ không có thật. Thuyết thập nhị nhân duyên của PG, nói vạn vật có nguồn gốc là vô minh. Vô minh là lầm lạc vì không thấy rõ, không hiểu rõ, bị mê mờ. Mà vật lý lượng tử ngày nay cũng không nói khác. Quark, electron chỉ là những hạt ảo, chúng không tồn tại khi bị cô lập, chúng chỉ tồn tại trong quan hệ tương tác với nhau và phải được cảm nhận bằng ý thức, trực tiếp qua các giác quan hoặc gián tiếp qua các thiết bị.
Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (1) (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (2) (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (3) (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Vì tính chất đồng bộ của lục căn, lục trần, lục thức (18 cảnh giới) nên ta tưởng vật chất là có thật, chứ thật ra vật chất chỉ là cảm giác, là thông tin chứ không phải thật.
Khoa học chỉ dựa trên tư duy lô gích của bộ não thuộc bán cầu trái, hay dù cảm nhận trực giác bằng bán cầu phải thì nhận thức cũng đã bị cơ chế ảo hóa của 18 cảnh giới làm cho lầm lạc, không bao giờ thấy được bản chất. Ví dụ ta thấy và cảm nhận vật chất, màu sắc, nước…, đó chỉ là tâm thức tổng hợp từ 6 giác quan, nhà khoa học ắt hẳn biết rõ là chúng không có thật, bản chất của chúng là gì thì cũng không xác định được, quark, electron cũng không hẳn là có thật.
Tóm lại quark, electron tạo ra những cấu trúc ảo, đó là nguyên tử của các nguyên tố, là phân tử vô cơ và hữu cơ, là chất sống như acid amin, protein, glucid, lipid, protid, DNA…là sơn hà đại địa, nhà cửa, xe cộ, mặt trời, hành tinh, thiên hà, vũ trụ. Một loại cấu trúc ảo khác là lục căn trong đó xuất sắc nhất là bộ não người. Lục căn là cấu trúc tuyệt vời của giác tánh, nó là cơ chế phát sinh ra nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh nối tiếp nhau liên tục tạo thành dòng nhận thức, suy nghĩ, tư tưởng, hệ tư tưởng, văn hóa, văn minh của nhân loại. Đối tượng của nhất niệm vô minh cũng là những cấu trúc ảo khác của vật chất và cả phi vật chất. Những cấu trúc ảo của vật chất này, nhà triết học Immanuel Kant (1724-1804) gọi là vật tự thể (Das Ding an Sich) bất khả tri. Cái khả tri qua nhận thức của lục căn thì đã bị ảo hóa không còn đúng thực tế nữa. PG gọi cấu trúc ảo của vật chất và phi vật chất là vô thủy vô minh. Thiền gọi vô thủy vô minh là thoại đầu. Vô thủy vô minh và nhất niệm vô minh là hai chìa khóa của cơ chế ảo hóa làm phát sinh vũ trụ vạn vật. Bản chất của vạn vật hay bản chất của con người là giác tánh. PG còn gọi nó là tánh Không của vạn hữu, hay còn gọi là Tâm. Kinh Phật nói “Nhất thiết duy tâm sở tạo” (Tất cả đều do tâm tạo) là nghĩa như vậy. Tham thiền hay tham thoại đầu là tự mình chứng được, ngộ được vô thủy vô minh và nhất niệm vô minh đích thực là bản chất của vũ trụ vạn vật, chúng không là gì cả mà cũng là tất cả. Khi làm chủ được rồi thì tự nhiên vận dụng được thần thông, sinh tử tự do, hay làm chủ được sinh tử, thoát khỏi luân hồi sinh tử, tùy ý sinh hay tử ở bất cứ đâu, bất cứ cảnh giới nào, dù cách xa địa cầu bao nhiêu tỉ quang niên cũng không thành vấn đề, vì tất cả mọi cảnh giới đều là duy tâm sở tạo. Lịch sử Thiền tông Trung Hoa ghi nhận có hơn 5000 người chứng được như vậy, Thiền gọi là kiến tánh. Nổi bật trong số đó là các vị Tổ Sư Thiền. Bên Ấn Độ sau Đức Phật, có 28 vị Tổ Sư, Sơ Tổ Ca Diếp, Nhị Tổ A Nan…Tổ 14 là Long Thọ Bồ Tát, Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma bắt đầu sang Trung Quốc truyền Đạo Thiền, làm Sơ Tổ tại TQ. Truyền cho nhị Tổ Huệ Khả, tam Tổ Tăng Xán, tứ Tổ Đạo Tín, ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, lục Tổ Huệ Năng. Sau Huệ Năng, số người kiến tánh nhiều không kể xiết như Vĩnh Gia Huyền Giác, Huỳnh Bá Hy Vận, Lâm Tế Nghĩa Huyền, Đức Sơn Tuyên Giám, Nam Nhạc Hoài Nhượng, Pháp Nhãn Văn Ích…Thời hiện đại thì có Hư Vân Hòa thượng, Lai Quả Thiền sư, Nguyệt Khê Thiền sư…Đời Minh có Hám Sơn, Đơn Điền (hai vị này còn để lại nhục thân bất hoại, cùng với nhục thân của Huệ Năng, được thờ tại chùa Nam Hoa gần thị trấn Thiều Quan, cách Quảng Châu khoảng 200km về phía bắc). Hàng cư sĩ tại gia cũng có người kiến tánh, bên Ấn Độ có cư sĩ Duy Ma Cật, bên Trung Quốc có cả gia đình Bàng Uẩn gồm 4 người, nhà thơ Hoàng Đình Kiên…Người nữ cũng có kiến tánh, như vợ và con gái của Bàng Uẩn, bà già bán thức ăn điểm tâm, người đã giúp cho Đức Sơn Tuyên Giám kiến tánh…
Kết luận : Tâm như hư không vô sở hữu (theo cách nói của Long Thọ Bồ Tát) hay Phật tánh, hay Giác tánh, hay Thượng Đế (vô ngã), hay là Trời (nói theo Nho giáo), mới chính là bản chất đích thực của con người và cũng là của vạn vật, Thiền còn gọi nó là bổn lai diện mục, vốn vô sinh vô diệt, sẵn có trước khi cha mẹ chưa sinh ra ta.
“Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Descartes) hay “Tôi cảm thụ, vậy tôi tồn tại” (Louis Lavelle) chỉ là sự tồn tại của cái ta giả do vô minh kiến lập. “Tôi tư duy, vậy tôi không tồn tại” (Jean Paul Sartre) là không thừa nhận cái ta giả, cái ta giả chỉ là vọng tưởng do vô minh kiến lập, không phải thật. Nhưng Sartre không thân chứng được cái ta thật, tức bản chất đích thực của con người là gì, nên không thể tự giải thoát được. Trong L’Être et le Néant (Thực thể và Hư vô, 1943) tác phẩm triết học chính của ông, có nhiều sai lầm. Một trong các sai lầm căn bản của ông là cho rằng L’être est. L’être est en soi. L’être est ce qu’il est. (Thực-thể là. Thực-thể tự-tại. Thực-thể là cái gì nó là.) Nói thế tức là cho rằng vật chất tự nó tồn tại độc lập ngoài tâm thức, điều mà các nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay đã chỉ ra là không đúng. Phật pháp nói thực thể (vật chất hay con người chẳng hạn) cũng không phải là thực thể. Hư vô cũng không phải là hư vô. Cái gì có thể nghĩ, có thể nói đều không có nghĩa thật. Cả chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hư vô đều là biên kiến (lệch một bên) không phải trung đạo, và đều là bệnh.
(Truyền Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét