Trước hết từ lý thuyết Big Bang (vũ trụ nổ). Theo lý thuyết này vũ trụ ban sơ chỉ là một chất điểm kích thước cực kỳ nhỏ, đó là kích thước Planck (10-33cm – mười lũy thừa trừ 33 centimét) đây là khoảng cách nhỏ nhất về vật lý còn có ý nghĩa. Ở kích thước này là đã chạm bức tường Planck, dưới con số này thì con số chỉ còn là con số toán học vô nghĩa vì không có một thực thể vật lý nào tương ứng với con số.
Có lẽ chúng ta nên trở lại bài toán của Zénon về mũi tên không bao giờ đến đích. Trong thế giới thường nghiệm mũi tên luôn bay đến đích vì khoảng cách vật lý không phải là vô hạn. Chạm đến bức tường Planck thì khoảng cách không còn chia đôi được nữa, nên mũi tên tức khắc bay đến đích, đó là cảm giác thường nghiệm. Tuy nhiên đó cũng chỉ là ảo tưởng. Còn cảm giác siêu nghiệm là khoảng cách không gian không có thật, mũi tên không có thật, cái đích không có thật, mũi tên không bao giờ bay đến đích. Đây cũng là một loại ảo tưởng khác, cao cấp hơn, mà chúng ta đã thấy trong thực nghiệm của Hầu Hi Quý.
Trở lại thuyết Big Bang, nếu vũ trụ ban đầu chỉ là một chất điểm, thì cái mà chúng ta thấy hiện nay, theo như các nhà thiên văn vũ trụ mô tả, vũ trụ có thời gian từ lúc xảy ra vụ nổ đến nay là (qui tròn) 14 tỉ năm và đường kính của nó là 93 tỉ năm ánh sáng. Tại sao từ kích thước gần như bằng không mà chỉ sau 14 tỉ năm, vũ trụ lại rộng đến 93 tỉ năm ánh sáng ? Đó là vì theo thuyết tương đối rộng, không gian có thể giãn nở gia tốc mà không gặp phải một giới hạn nội tại nào về tốc độ, và như vậy hai thiên hà có thể rời xa nhau nhanh hơn tốc độ ánh sáng khi không gian giữa chúng bị giãn ra.
Như thế một vật nhỏ gần bằng 0 có thể lớn lên thành vũ trụ đường kính 93 tỉ năm ánh sáng. Điều này không khỏi khiến chúng ta hoài nghi là khoảng cách không gian đó chỉ là ảo. Một hoài nghi khác là thời gian 14 tỉ năm có thật không, hay cũng chỉ là ảo. Ở đây chúng ta chỉ mới hoài nghi mà chưa thể khẳng định.
Xét kỹ về bản chất của khoảng cách. Ví dụ khảo sát khoảng cách từ Sài Gòn qua Luân Đôn là 10.195 km. Nếu chúng ta vạch một đường thẳng từ TP. HCM đến Luân Đôn thì thấy như sau : lộ trình đi qua vịnh Thái Lan, lục địa Châu Á, Biển Đen và lục địa Châu Âu. (Theo như tôi biết thì đường bay thực tế của Việt Nam Airlines không thẳng băng như thế, nó có đi qua biển nội địa Caspian). Như vậy lộ trình mặt đất gồm đất liền và biển. Vậy khoảng cách cấu tạo bởi đất đá và nước biển có phải cố định không, có thể rút nhỏ lại được không ? Theo thuyết tương đối hẹp của Einstein và theo các mô tả về lỗ đen thì đất đá và nước biển, nói chung là vật chất có thể rút nhỏ lại được. Theo tính toán của các nhà khoa học, Mặt Trời của chúng ta có đường kính 1,3 triệu km, khi biến thành lỗ đen thì chỉ còn 3km. Còn Trái Đất của chúng ta có đường kính tại xích đạo là 12.756 km, khi biến thành lỗ đen chỉ còn 9milimét. Như vậy khi đó khoảng cách từ SG tới Luân Đôn có thể rút ngắn chỉ còn vài milimét. Thế thì khoảng cách hay độ dài của vật chất có thể thay đổi rất lớn, giống như sợi dây thun dài 1centimét có thể kéo dài thành 1mét hay thu ngắn còn 1milimét.
|
Đường bay TP HCM – Luân Đôn |
Vậy còn khoảng chân không trống rỗng không có vật chất thì có cố định không ? Câu trả lời là không, khoảng cách chân không đó lại càng không có thật. Điều này được chứng tỏ rõ ràng trong hiện tượng rối vướng víu lượng tử. Năm 2008 Nicolas Gisin và các cộng sự tại Đại học Geneva đã lập thí nghiệm, cho hai photon vướng víu (entangled) cách xa nhau 18 km thì thấy khoảng cách đó dường như không có, chẳng có tác dụng gì cả, hễ photon này bị tác động thì lập tức photon kia bị tác động, không mất chút thời gian nào. Người ta thử tính nếu tín hiệu có truyền đi từ photon này tới photon kia thì tốc độ truyền là hơn 10 triệu lần tốc độ ánh sáng, một con số không tưởng.
Hiện tượng vướng víu này đã đủ để xác định là khoảng cách không gian không có thật, đó chỉ là cảm giác tưởng tượng của 6 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não).
Photon (hạt ánh sáng) là lượng tử nên có những tính chất kỳ bí như bất định xứ (nonlocal) không thể có vị trí xác định, từ đó khiến cho khoảng cách không gian trở thành ảo tưởng. Nhưng một cố thể vật chất, chẳng hạn một quả trứng hay một gói thuốc lá thì có bất định xứ không ? Bình thường chúng ta cảm thấy chúng có vị trí xác định (local), nơi chốn (locality) rõ ràng. Nhưng cũng xảy ra những trường hợp chúng bất định xứ, nghĩa là chúng không tự nằm yên một chỗ nhất định mà có thể biến đi không gì cưỡng nổi.
Những thực nghiệm phi thường. Từ ngữ xưa gọi là thần thông, ngày nay gọi là đặc dị công năng, nghĩa là dùng tâm niệm điều khiển vật thể. Trong hoàn cảnh này thì khoảng cách không gian là không tồn tại, những cản trở của cố thể vật chất cũng không tồn tại.
Trương Bảo Thắng dùng tâm niệm lấy một quả táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín chứng tỏ vỏ thùng sắt không ngăn cản được quả táo trong thùng đi ra ngoài. Anh ta cũng có thể dùng tâm niệm lấy các viên thuốc ra khỏi chai thủy tinh mà nắp bị đóng khằn, chứng tỏ vỏ chai không ngăn cản được các viên thuốc đi ra ngoài.
Hầu Hi Quý có thể dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào một chiếc xe hơi đang đậu ở hồ Mật Vân cách xa Bắc Kinh 50 km, chỉ với cái vỏ hộp diêm, chứng tỏ khoảng cách 50 km là không có thật. Ông cũng có thể dùng tâm niệm lấy một bao thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa tại nơi sản xuất là huyện Lạc Đô, tỉnh Thanh Hải (Qinghai), cách xa nơi ông và một số người khác trong Hoa Cổ Kịch Đoàn của Du Huyện, tỉnh Hồ Nam (Hunan) hiện đang trú ngụ là làng Loan Sơn với khoảng cách rất xa 1600 km. Ông trả tiền 5 hào 7xu nhân dân tệ cũng bằng tâm niệm. Sau khi trả tiền xong thì tức khắc bao thuốc lá Đỗ Quyên Hoa xuất hiện trên khuôn cửa sổ căn phòng nơi họ đang ở.
Kết luận : Như vậy phải chăng đã đủ để kết luận là khoảng cách không gian không có thật. Trong thí nghiệm khoa học về hiện tượng vướng víu lượng tử cũng như trong thực nghiệm đặc dị công năng đều chứng tỏ là khoảng cách không gian chỉ là ảo, nó xuất hiện trong các giác quan của con người bình thường nhưng không phải là chân lý. Điều này Phật giáo đã đề cập tới từ rất lâu lúc Đức Phật thuyết về thế lưu bố tưởng. Tất cả sự vật, không gian, thời gian và số lượng đều chỉ là ảo hóa. Xin nhắc lại về thế lưu bố tưởng như sau :
Thế lưu bố tưởng 世流布想 là tưởng tượng bình thường được lưu truyền rộng rãi qua nhiều đời của thế nhân. Trong kinh “Đại bát Niết bàn” 大般涅槃经 do ngài Đàm Vô Sấm 昙无谶 (Dharmaraksa) pháp sư người Ấn dịch, Phật nói với Ca Diếp :
Tất cả phàm phu có hai loại tưởng tượng, thứ nhứt là thế lưu bố tưởng, thứ hai là trước tưởng. Tất cả bậc thánh nhân chỉ có thế lưu bố tưởng mà không có trước tưởng. Tất cả phàm phu vì dựa vào cảm giác sai lầm của giác quan , từ thế lưu bố tưởng sinh ra trước tưởng. Tất cả bậc thánh vì có chánh giác thấu suốt, từ thế lưu bố tưởng không sinh ra trước tưởng. Vì vậy mới gọi cái thấy của phàm phu là điên đảo tưởng. Thánh nhân tuy cũng có tri giác (giống phàm phu) nhưng không gọi là điên đảo tưởng
Ý chỉ trong kinh hàm súc nhưng quá ngắn gọn nên hơi khó hiểu, các bậc thiện tri thức ở Trung Hoa đã diễn giải thêm cho rõ nghĩa :
( Thế lưu bố tưởng là thấy trâu nói là trâu, thấy ngựa nói là ngựa. Chấp trước tưởng, tức là thấy cái gì đều chấp (giữ chặt) cái đó cho là có thật. Phàm phu do vô minh, cái thấy bị tình cảm sai khiến nên điên đảo, còn thánh nhân trí tuệ sáng suốt, đối với mọi cảnh giới đều không mê chấp cho là có thật. Thơ vịnh hoa của bậc Cổ Đức nói:
何须待零落 Hà tu đãi linh lạc Chẳng cần chờ hoa rụng
方知本来空 Phương tri bổn lai không Mới biết xưa nay không
Tất cả danh lợi, địa vị, nam nữ, tình cảm, xưa nay vốn là không có thực, hà tất phải mò trăng đáy nước, tự làm khổ mình, không bằng tùy duyên mà làm, khiến cho tất cả chúng sinh tự giác ngộ không phải hơn sao ? )
Những người tu theo pháp môn Tịnh Độ đều mong được vãng sanh về Cõi Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà. Cõi đó có thể không hiện hữu trong vũ trụ mà chúng ta đang thấy. Nhưng tín đồ thực hiện đúng Tín, Nguyện, Hành của pháp môn vẫn có thể đến cõi đó chỉ bằng một niệm. Phật nói Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Chúng sinh di chuyển trong Tam giới bằng tốc độ của ý niệm, khởi niệm là đến, đó chính là phương thức duy nhất hữu hiệu trong Tam giới mênh mông. Phương thức đó đã được các nhà đặc dị công năng Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý biểu diễn một cách hết sức thuyết phục. Phương thức đó cũng đã được hiện tượng rối, vướng víu lượng tử chứng minh một cách khoa học, rõ ràng, đầy thuyết phục. Vậy thì các nhà khoa học còn hoài nghi điều gì ? Các nhà khoa học tìm cách giải thích một cách gượng gạo kém thuyết phục là “đường hầm thời gian”, “lỗ sâu đục”, chi bằng công nhận không gian, thời gian, số lượng vật chất chỉ là ảo tưởng, ảo hóa, nằm mơ giữa ban ngày, như Phật pháp đã chỉ ra từ ngàn xưa.
(Truyền Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét