Duy thức học Phật giáo nói rằng vũ trụ vạn vật chỉ là thức. Thức trong PG không phải chỉ là ý thức mà có tới 8 thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác tiếp xúc thân thể, ý thức, mạt-na thức và a-lại-da thức) Tám thức này có được là do lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sinh ra lục thức (6 thức đầu). Qua thời gian, 6 thức đó hình thành một thói quen nhận thức của cái tôi (thuật ngữ PG gọi là tập khí) kiên cố đến mức nó biểu hiện thành vật chất, thành vũ trụ vạn vật, hình thành nên cái tôi tách biệt với phần còn lại của thế giới, cái thức chấp ngã đó, PG gọi là mạt-na thức (末那識 tiếng Phạn là Manas-vijñāna). Mạt-na thức của mỗi kiếp mỗi khác, kiếp sau có thể không nhớ, không ý thức về kiếp trước, nhưng thông tin của mạt-na thức vẫn lưu giữ đầy đủ trong một kho chứa khổng lồ gọi là A-lại-da thức (zh. 阿賴耶識, sa. ālayavijñāna, đó là dịch âm, còn dịch nghĩa là Tạng thức 藏識). Thông tin của A-lại-da thức phóng hiện thành vũ trụ vạn vật, trong đó thông tin của mạt-na thức phóng hiện thành cá thể của mỗi chúng sinh. Vũ trụ vạn vật chỉ là chủ quan theo cái nhìn của mỗi mạt-na thức. Do đó thế giới của con gà, con chó không giống với thế giới của con người, mặc dù cùng sống chung một thế giới, nhưng nghiệp thức khác nhau nên cảm nhận cũng khác nhau. Cảm nhận giữa bậc thánh và người phàm mặc dù có nhiều điểm giống nhau (thế lưu bố tưởng) nhưng cũng có chỗ khác nhau rất cơ bản. Đó là người phàm chấp ngã, chấp pháp còn bậc thánh biết là ảo nên không cố chấp. Sự cố chấp điên đảo mộng tưởng của người phàm gọi là chấp trước tưởng, bậc thánh chỉ có thế lưu bố tưởng mà không có chấp trước tưởng. Chấp trước tưởng chính là nguồn gốc của đau khổ.
Thông tin của A-lại-da thức phóng hiện thành vũ trụ vạn vật như thế nào ? Duy thức học Phật giáo tuy biết rõ như thế nhưng không có cách diễn tả sáng tỏ vì khoa học kỹ thuật thời xưa chưa phát triển, các luận sư thời xưa không diễn giải bằng một cơ chế rõ ràng nên người đọc kinh Phật rất khó hiểu, không nắm được một cách rõ ràng mạch lạc. Do đó ngày nay, các tư tưởng này cần được diễn giải lại bằng khoa học cho sáng tỏ hơn.
Tạp chí Scientific American số tháng 2/2012 có đăng bài viết « Is Space Digital » (phải chăng vũ trụ là thông tin số hóa) của Michael Moyer về một thí nghiệm đang được tiến hành ở Chicago bởi Craig Hogan ( Giám đốc Trung tâm Vật lý thiên văn và các hạt cơ bản, Phòng thí nghiệm gia tốc Quốc gia Fermi, GS Đại học Chicago, Illinois ) nhằm đo tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise), nó biểu hiện mối liên quan sâu xa giữa thông tin, vật chất và thời-không. Nếu tồn tại tiếng ồn toàn ảnh thì theo Craig Hogan, vũ trụ của chúng ta là số (digital) và chúng ta có một hình mẫu (paradigm ) mới cho vũ trụ quan của thế kỷ 21. Vũ trụ không liên tục mà là gián đoạn bao gồm những bit thông tin. Vũ trụ 3D phát sinh (emerge) từ những bit thông tin chứa trên một mặt phẳng 2D.
Thông tin về vũ trụ ba chiều có thể được ghi lại trong mặt phẳng hai chiều bằng phương pháp toàn ảnh (hologram). Kỹ thuật này gọi là holography (phương pháp toàn ảnh). Chữ holography có gốc từ tiếng Hy lạp holos whole ( toàn thể ) + graphe writing (ghi ảnh). Đây là một phương pháp chụp ảnh hiện đại. Holography được sáng chế năm 1948 bởi nhà vật lý Dennis Gabor (1900-1079), nhờ thành tích này ông được nhận giải Nobel năm 1971.
Nguyên lý toàn ảnh gợi ý cho chúng ta rằng bản chất của vũ trụ là số
Lý thuyết về phép toàn ảnh (holography) do nhà vật lý người Anh gốc Do Thái nhưng sinh ra ở Hungary là Dennis Gabor đưa ra năm 1947, năm 1948 đã chứng minh được bằng thực nghiệm. Tuy nhiên phải đến 10 năm sau đó, nhờ có tia laser tạo ra được tia sáng cực mạnh và phối trí thích hợp, phép toàn ảnh mới có ý nghĩa thực tế, và được ứng dụng rộng rãi. Người đầu tiên dùng laser để phát triển phép toàn ảnh là Emmett N. Leith. Một sự vật 3 chiều (3D = 3 dimentions) có thể nén lại thành 2 chiều (2D), các chi tiết về chiều sâu của vật được nén đậm đặc ờ vùng ngoại biên. Nguyên lý này có thể được mô tả bằng sơ đồ sau :
Chú thích từ ngữ:
Laser : máy phát tia laser
Màn trập : thiết bị để đóng hoặc mở tia laser
Kính phân tia : chia tia sáng làm 2 phần, 1 phần đi thẳng xuyên qua kính, 1 phần phản chiếu đi vào thấu kính phân kỳ.
Thấu kính phân kỳ : tia sáng qua kính này tỏa rộng ra, trái ngược với thấu kính hội tụ
Phim tráng nhũ tương : để chụp ảnh hoặc quay phim ảnh toàn ký
Ảnh toàn ký : ảnh trong không gian 3 chiều, có chiều sâu, có đầy đủ chi tiết của vật thể 3 chiều
Để tạo được ảnh toàn ký của một vật (ví dụ trong hình là ngôi sao màu xanh lá cây), người ta cho tia laser qua một kính phân tia, ánh sáng một phần đi thẳng đến gương phản chiếu, qua thấu kính phân kỳ rồi mới tới phim, một phần ánh sáng bị phản chiếu, đi qua một thấu kính phân kỳ khác, tới một gương phản chiếu, rọi lên vật rồi mới phản chiếu lại trên phim. Ảnh mà phim ghi được là ảnh toàn ký, khi được tái hiện thì trở thành ảnh 3 chiều, người xem không cần mang kính vẫn thấy đó là ảnh nổi 3D.
Một đặc điểm kỳ diệu của ảnh toàn ký là bất cứ một phần nhỏ nào của tấm ảnh, cũng chứa đầy đủ ảnh 3D của vật, do đó dù có xé tấm ảnh ra ngàn mảnh, chỉ cần một mảnh là đủ để tái hiện trọn vẹn ảnh 3D của vật.
Ảnh của các vật trong vũ trụ đều là ảnh toàn ký. Do đó chỉ cần nắm bắt một chút ít ánh sáng mang tín hiệu của quá khứ, là đủ để phục nguyên toàn bộ vật cảnh của quá khứ. Đặc tính toàn ký này cũng thể hiện rằng số lượng là không có thật, một là tất cả. Như vậy nếu nắm được một chút thông tin về quá khứ thì có thể tái hiện quá khứ.
Theo lý thuyết của Hogan, mọi vật trong thế giới 3D (thế giới đời thường của chúng ta) đều có thể mã hóa trên một diện tích 2D ở độ phân giải Planck. Kích cỡ Planck là kích cỡ nhỏ nhất. Và những bit cơ bản của thông tin nằm trong kích cỡ Planck. Kích thước Planck là khoảng cách vật lý nhỏ nhất còn có ý nghĩa, dưới khoảng cách này thì con số chỉ còn là con số toán học vô nghĩa, nó vô nghĩa vì không còn tương ứng với một thực thể vật lý nào. Kích thước Planck là 10-33 (mười lũy thừa trừ 33) cm. Đó chính là kích thước của lượng tử (quantum). Từ kích thước Planck, ông tính ra diện tích Planck là 10-66 cm2 (mười lũy thừa trừ 66 centimét vuông). Một bit thông tin vũ trụ bằng 4 diện tích Planck.
Bit thông tin vũ trụ bằng 4 diện tích Planck
Năm 1948 nhà toán học người Mỹ Claude E. Shannon đã đưa vào thông tin khái niệm entropy. Entropy thông tin trong một thông điệp là số bit cần thiết để mã hóa thông điệp đó. Khái niệm entropy của Shannon làm xích gần vật lý thống kê với thông tin.
John Archibald Wheeler quan niệm rằng “thế giới vật lý là được cấu tạo bằng thông tin với năng lượng và vật chất chỉ là những yếu tố hiển thị, những sản phẩm phụ (incidentals)”.
Theo Bekenstein: “Entropy nhiệt động và entropy Shannon là tương đương , số cấu hình tính theo entropy Boltzmann (của nhiệt động) phán ánh số lượng thông tin Shannon mà chúng ta cần có để thu xếp một cấu hình” của vật chất và năng lượng.
Sự khác nhau giữa entropy nhiệt động học của vật lý và entropy thông tin của Shannon chỉ là vấn đề đơn vị đo. Entropy nhiệt động học tính bằng đơn vị năng lượng chia cho nhiệt độ trong khi entropy Shannon lại không có thứ nguyên, chỉ là “bit” của thông tin, do đó sự khác nhau chỉ là vấn đề quy ước.
Bekenstein đã giải quyết vấn đề nghịch lý thông tin trong lỗ đen nhờ phát hiện rằng entropy của lỗ đen –có nghĩa là nội dung thông tin của lỗ đen- tỷ lệ với diện tích chân trời sự kiện (event horizon).
Bề mặt (mặt biên) của lỗ đen là chân trời sự kiện, nơi thông tin của lỗ đen được mã hóa
Nguyên lý toàn ảnh được gợi ý ( inspired) từ nhiệt động học lỗ đen và tổng quát hóa cho mọi vật. Trong lỗ đen, mọi thông tin đều được mã hóa trên mặt biên chân trời sự kiện. Đây là xuất phát điểm của nguyên lý toàn ảnh.
Các nhà vật lý Leonard Susskind và Gerard’t Hooft muốn tổng quát hóa nguyên lý toàn ảnh từ lỗ đen (Jacob Bekenstein & Stephen Hawking) thành nguyên lý chung cho toàn vũ trụ.
Vì sao mà nguyên lý toàn ảnh trở nên quan trọng cho vật lý lượng tử?
Vì bài toán số một hiện nay của vật lý là thống nhất được hai lý thuyết lớn nhất của thời đại: lý thuyết lượng tử và lý thuyết tương đối rộng, vấn đề này thu được nhiều tia sáng từ nguyên lý toàn ảnh.
Có thể tóm tắt ý tưởng chính của nguyên lý toàn ảnh như sau: thông tin của một vùng không gian có hấp dẫn, có thể mã hóa không có hấp dẫn, trên mặt biên của vùng không gian đó, nói cách khác có thể thiết lập một mối tương quan giữa các đại lương trên mặt biên với các đại lượng trong vùng.
Yếu tố quan trọng ở đây là thông tin.
Từ kỹ thuật đến sinh học, vật lý, thông tin đóng vai trò quan trọng. Các protein không thể nào tổng hợp được nếu không có thông tin từ DNA. Nguyên lý toàn ảnh khẳng định rằng entropy của một khối lượng bình thường (không phải lỗ đen) cũng tỷ lệ với diện tích chứ không phải thể tích. Thể tích chỉ là ảo ảnh và vũ trụ thật sự là một hologram đẳng cấu (isomorphic) tức cấu tạo bằng những bit thông tin giống nhau, cùng một loại như nhau, cụ thể là 0 và 1, với thông tin được “ghi khắc” trên mặt biên.
Làm thế nào để biết là chúng ta đang ở trong một toàn ảnh (hologram)?
Tiếng ồn toàn ảnh là gì?
Craig Hogan còn đi xa hơn khi cho rằng từ các thông tin 2D chẳng những có thể khôi phục lại thành ảnh nổi 3D mà nó còn tạo ra không gian và thời gian 3D thực sự, hay nói rõ hơn là nó tạo ra vũ trụ vạn vật mà chúng ta đang sống với đầy đủ 3 đại lượng cơ bản là : không gian, thời gian và số lượng. Nói cách khác, thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới ảo với 4 chiều kích, 3 chiều không gian và một chiều thời gian. Ông chỉ còn chờ tìm thấy tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise) bằng thực nghiệm thì sẽ khẳng định được lý thuyết này là đúng.
Craig Hogan đã viết nhiều bài báo tiên đoán sự tồn tại của một tiếng ồn gọi là tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise) có thể ghi đo được. Tiếng ồn này là biểu hiện của một loại bất định kích cỡ Planck, nếu tồn tại một hologram của vũ trụ. Craig Hogan cho rằng nếu nhìn sâu vào những phân chia vô cùng nhỏ của thời-không chúng ta sẽ thấy vũ trụ được chiếm đầy bởi một tiếng ồn nội tại gọi là tiếng ồn toàn ảnh. Tiếng ồn đó xuất phát từ những bit thông tin. Chúng ta có khả năng phát hiện tiếng ồn số đó của vũ trụ và tiếng ồn đó chứng tỏ rằng vũ trụ chúng ta đang sống là một vũ trụ số ( universe is digital).
Khi đi vào cấu trúc sâu của thời-không (space-time) chúng ta sẽ thấy vũ trụ được cấu tạo không phải bằng vật chất và năng lượng mà bằng những bit thông tin, vũ trụ xuất hiện và hoạt động dựa trên những bit thông tin đó. Nếu vũ trụ là số thì đây là một kim chỉ đường tiếp theo dẫn đến hấp dẫn lượng tử. Trong một vũ trụ số, bản thân không gian đã được lượng tử hóa, không gian phát sinh từ những bit lượng tử gián đoạn ở kích cỡ Planck.
Nếu không gian là lượng tử thì phải chịu sự bất định (incertainties) của Cơ học lượng tử (CHLT). Ta sẽ có những thăng giáng dạng bọt (foamlike fluctations).
Vì rằng thể tích của vũ trụ rộng lớn hơn diện tích chân trời sự kiện, Hogan hiểu rằng với cùng một số bit như trên diện tích chân trời, thì vũ trụ phải được cấu tạo bởi những hạt (grain) lớn hơn độ dài Planck (ví dụ quark, electron, neutrino) nói cách khác, vũ trụ của chúng ta phải bị nhòe đi (blurry), mờ đi. Tương tự như khi ta xem TV, ta thấy mọi vật dường như đều mịn nhưng nếu phóng hình ảnh lên quá to thì sẽ bị nhòe. (Tính chất nhòe đi, mờ đi này rất quan trọng trong việc cảm nhận thế giới, nó chính là nguyên lý để cảm nhận, nhận thức thế giới mà Phật giáo gọi là vô minh, mắt xích đầu tiên của thuyết Thập nhị nhân duyên. Nhờ có cái vô minh này chúng ta mới thấy và cảm nhận nước là nước, chứ nếu không thì chỉ cảm nhận được là proton, neutron, electron hay 0 và 1 chứ không phải nước -TB)
Muốn thực hiện những thí nghiệm với năng lượng tương ứng với kích cỡ Planck là điều vô vọng vì chúng ta phải cần những máy gia tốc lớn bằng cả Thiên hà. Song nghiên cứu những thăng giáng do tiếng ồn toàn ảnh là điều khả thi, vì kích cỡ của chúng chỉ bằng khoảng 10-16 m (mười lũy thừa trừ 16 mét.)
Nếu chúng ta nằm trong một hologram, ta có thể biết được điều đó bằng cách đo độ mờ này.
Báo NewScientist viết rằng có thể vũ trụ là một hologram khổng lồ.
Leonard Susskind phát biểu rằng chính thông tin làm nên sự khác nhau giữa các đối tượng.
Theo nguyên lý toàn ảnh, nếu ném một vật vào lỗ đen thì vật ấy có thể biến mất, song thông tin về vật đó được ghi lại trên một mặt nằm quanh lỗ đen gọi là chân trời sự kiện (event horizon). Thông tin không bao giờ mất. Theo nguyên lý toàn ảnh, vũ trụ 3D của chúng ta phát sinh từ thông tin đã được in trên một mặt 2D gọi là tờ ánh sáng (light sheet). Tờ ánh sáng đây là chân trời sự kiện của vũ trụ. Chúng ta thực tế là một hình chiếu (projection) Tờ ánh sáng (light sheet) 2D theo nguyên lý toàn ảnh chứa các thông tin về tọa độ của mỗi hạt nằm trong tờ, mỗi electron, quark và neutrino và mọi lực tương tác giữa chúng. Tờ ánh sáng chiếu mọi thông tin nằm trong tờ ra ngoài vũ trụ và tạo nên mọi điều chúng ta thấy. Vũ trụ phát sinh từ các bit 0 và 1. Các nhà khoa học cho rằng vũ trụ hoạt động như một máy tính, thông tin đã tạo nên thế giới vật lý, song máy tính đó vẫn còn là một hộp đen đối với họ. Nguyên lý toàn ảnh có thể là sự thống nhất của lượng tử và hấp dẫn. Nguyên lý toàn ảnh là một kim chỉ đường đến hấp dẫn lượng tử. (Cái mà các nhà khoa học gọi là tờ ánh sáng -light sheet- hay chân trời sự kiện của vũ trụ -Universe horizon- Phật giáo gọi là A-lại-da thức- TB)
Nếu thông tin về nội vùng của các lỗ đen được mã hóa trên chân trời sự kiện thì rất có thể là mọi thông tin về vũ trụ của chúng ta được mã hóa trên tờ ánh sáng gọi là chân trời của vũ trụ (Universe’s horizon).Đây có thể nói là một giả thuyết cần kiểm nghiệm, giả thuyết này được xây dựng từ mối tương tự với lỗ đen.
Toàn ảnh ký với 2 giao thoa kế để phát hiện và đo tiếng ồn toàn ảnh
Craig Hogan kiến thiết một thí nghiệm để phát hiện tiếng ồn toàn ảnh. Và nếu vũ trụ được cấu tạo như thế, nghĩa là từ các bit thông tin, thì điều này sẽ làm thay đổi nhận thức của chúng ta về kiến trúc của vũ trụ. Craig Hogan nghiên cứu những kích cỡ mà ở đấy thông tin tồn tại như những bit (information lives as bits).
Nếu vũ trụ là một hình chiếu toàn ảnh từ chân trời vũ trụ thì hình chiếu đó sẽ bị mờ (fuzzy). Mặc dầu mọi thông tin để tạo nên vũ trụ được mã hóa trong những bit kích cỡ Planck trên chân trời vũ trụ, các bit đó trong phép chiếu sẽ được phóng đại theo thời gian giống như một tia ánh sáng xuất phát từ một máy chiếu lên bức tường.
Tại Fermilab Hogan xây dựng một thiết bị gọi là toàn ảnh ký (holometer) cũng để ghi tiếng ồn ấy.
Toàn ảnh ký do Hogan xây dựng tại Fermi Lab
Máy toàn ảnh ký gồm hai giao thoa kế riêng biệt kết dính với nhau. Trong mỗi giao thoa kế một tia ánh sáng được tách làm đôi và đi theo hai hướng khác nhau. Sau khi đập vào một cái gương các tia sáng lại kết tụ với nhau và độ lệch pha sẽ được đo.
Nhờ có hai giao thoa kế các nhà nghiên cứu có thể so sánh các kết quả đo. Mọi tiếng ồn với tần suất cao sẽ được ghi nhận như là sự run rẩy của thời-không hay nói cách khác đó là tiếng ồn toàn ảnh.
Tiếng ồn này có tần số khoảng 1 triệu chu kỳ trong một giây. Nếu quả tiếng ồn này tồn tại thì thế giới 3D là hình chiếu từ bản chất thực tại 2D của vũ trụ.
Tính chất phỏng đoán đó lộ rõ hơn ở những khoảng cách lớn. Một thiết bị như holometer có thể đo những khoảng cách theo chiều thẳng góc và đó là đối tượng của một loại bất định mới. Tiếng ồn đó sẽ được thu vào trong một detector (máy dò để phát hiện).
Phát hiện tiếng ồn toàn ảnh
Nhưng trong khi Craig Hogan chưa phát hiện ra tiếng ồn toàn ảnh thì một nhóm nghiên cứu khác, đã phát hiện ra tiếng ồn đó. GEO600 là một dự án hợp tác giữa Viện Vật lý hấp dẫn Max Planck, Đại học Leibniz Hannover, Đại học Cardiff, Đại học Glashow và Đại học Birmingham. GEO600 là một detector (máy dò để phát hiện) dài 600 m, xây dựng tại Hannover (Đức) có mục tiêu tìm sóng hấp dẫn phát ra từ những thiên thể như sao neutron, lỗ đen. Nhóm các nhà vật lý Đức và Anh GEO600 chưa tìm ra sóng hấp dẫn, song họ phát hiện một độ mờ hay một tiếng ồn không giải thích được trong detector của họ. Chính độ mờ này (fuzziness) là điều mà Hogan cho là tiếng ồn toàn ảnh trong GEO600.
Các nhà thực nghiệm đã ghi đo được tiếng ồn này với tần số 300 và 1500 Hertz .
Craig Hogan đã đồng nhất tiếng ồn đó với tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise) của vũ trụ. Trong vũ trụ toàn ảnh, mọi thực thể trong không gian và thời gian đều liên thông với nhau (interconnectedness) và cách tiếp cận toàn ảnh giúp thống nhất hấp dẫn và lượng tử ( bài toán số một của vật lý ) và rộng hơn là cung cấp một tầm nhìn nhất quán đối với mọi hiện tượng thuộc vật lý, sinh học, bệnh học, tâm lý học, ngoại tâm lý học (parapsychology)…Vũ trụ toàn ảnh nếu đúng sẽ mở ra một kỷ nguyên khoa học mới có chiều sâu hơn hiện nay (ScienceDaily Feb.4, 2009- Cao Chi).
Kết luận, tác giả bài báo (Michael Moyer) nói : Thí nghiệm trên holometer đang tiếp tục tiến hành và nếu tiếng ồn toàn ảnh được khẳng định thì đây là một bước ngoặt quan trong trong vật lý: vũ trụ của chúng ta là số (digital), nghĩa là thực thể cơ bản là nhũng bit thông tin, còn vật chất và năng lượng chỉ là những hiển thị, những sản phẩm tiếp theo. Điều đó cũng có nghĩa là thời-không không còn liên tục mà gián đoạn, nghĩa là tự động được lượng tử hóa. Đây là một ý tưởng dẫn đường đến hấp dẫn lượng tử, một sự thống nhất thuyết lượng tử và hấp dẫn. Mọi vật 3D của thế giới chúng ta phát sinh (emerge) từ các bit thông tin ở độ phân giải Planck, nằm trên biên 2D của vũ trụ.
|
David Bohm |
Một nhà Vật lý nổi tiếng khác là David Bohm cũng nhất trí rằng vũ trụ là một toàn ảnh.
Khi làm việc tại Phòng thí nghiệm Bức xạ Berkeley về plasma, Bohm đã nhận xét rằng trong trạng thái plasma các electron không hành xử như những thực thể riêng lẻ mà như thành phần của một hệ thống thống nhất liên thông (interconnected). Điều đáng ngạc nhiên là plasma có thể hút các tạp chất ở biên giống như một trực trùng amip (amoeboid) nuốt chất lạ vào bào nang. Bohm có ấn tượng là biến các electron thành một sinh thể. Những ý tưởng đó giúp Bohm tìm ra plasmon, tạo nên tiếng tăm cho nhà vật lý.
Bohm đưa ra một ví dụ: hãy lấy một con cá vàng đang bơi trong bể cá cảnh và tưởng tượng rằng bạn chưa bao giờ thấy một cảnh tượng như vậy, mọi nhận thức của bạn chỉ có được nhờ hai camera tivi A & B quét từ hai góc khác nhau.
Khi nhìn vào hai màn hình tivi bạn lầm tưởng đang quan sát hai con cá vàng. Song theo dõi một lúc bạn thấy rằng có mối liên hệ đồng bộ giữa hai con cá này. Như vậy hai ảnh trên hai màn hình chỉ là hai biểu hiện của một thực thể ở mức sâu hơn, trong trường hợp này thực thể đó là bể cá cảnh với cá vàng bên trong. Tình huống này giống như hai photon phát ra từ sự phân rã của một positronium. Theo Bohm, tồn tại một thế giới lượng tử chiếm đầy không gian và các hạt liên thông với nhau một cách không định xứ (nonlocal).
Nguyên lý toàn ảnh có thể dẫn đến một triết học sâu sắc. David Bohm quan niệm rằng thực tại mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày chỉ là một loại ảo tưởng giống như một bức tranh toàn ảnh (hologram). Dường như thực tại có hai mức: một mức ở sâu hơn gọi là mức tiềm ẩn (cuộn lại) /implicate (enfolded) và một mức gọi là mức tường minh (mở ra) /explicate (unfolded). Một film toàn ảnh (hologram) và hình ảnh nó tạo ra trên màn hình là ví dụ của hai mức tiềm ẩn và tường minh. Cuộn film thuộc mức tiềm ẩn vì hình ảnh được mã hóa trong các dạng giao thoa chứa trong film còn hình ảnh chiếu ra thuộc mức tường minh vì các giao thoa mã hóa được mở ra (unfolded).
Theo David Bohm, sóng và hạt đều bị cuộn lại trong một thực thể lượng tử, chỉ có quá trình tương tác mới bộc lộ tường minh một khía cạnh nào đó, còn khía cạnh kia vẫn nằm tiềm ẩn. Vì danh từ toàn ảnh (holographic) có tính tĩnh tại (static) nên để mô tả những quá trình động (dynamic) cuộn lại và mở ra liên tục của thực tại nên David Bohm đưa ra danh từ toàn ảnh động (holomovement)
Bohm quan niệm rằng mọi vật trong vũ trụ đều là những phần tử của một continuum . Bohm cho rằng phân biệt thế giới sống (living) và không sống (nonliving) là điều vô nghĩa.
Vì mỗi phần của một bức toàn ảnh (hologram) đều chứa thông tin của toàn ảnh cho nên mỗi bộ phận của vũ trụ đều chứa thông tin của toàn vũ trụ. Điều đó có nghĩa là nếu biết cách tiếp cận thì chúng ta có thể tìm thấy thiên hà Tiên nữ (Andromeda) trong móng ngón tay bàn tay trái. Bài thơ của William Blake (thi sĩ Anh 1757-1827) sau đây diễn tả cùng một ý.
To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour.
Dịch nghĩa:
Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát
Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng,
Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.
(Cao Chi- Vũ trụ toàn ảnh: một kỷ nguyên khoa học mới? và Vũ trụ là số ?)
Cái continuum mà Bohm đề cập chính là Tâm như hư không vô sở hữu mà Long Thọ nói. Đó không phải là thời-không, vì thời-không cũng cấu tạo bằng lượng tử tức rời rạc, chỉ có Tâm bất nhị mới là liên tục, không có gián đoạn, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian hay số lượng, không có vấn đề tồn tại hay không tồn tại, vì nó là tuyệt đối, không có nhị nguyên đối đãi. Tâm là bất khả tư nghị, tất cả mọi lượng tử rời rạc đều liên thông trong tâm ấy, thậm chí vô lượng lượng tử cũng chỉ là một, mà không phải là một, nên mới tạm gọi là bất nhị. Ngôn ngữ không thể diễn tả được thực tế đó, điều này đã được trình bày trong Kinh Kim Cang, nếu cố dùng ngôn ngữ để diễn tả thì sẽ như sau “Thế giới tức phi thế giới thị danh thế giới” (Thế giới tức không phải thế giới gọi là thế giới) diễn tả như vậy thì lý trí không thể hiểu được vì nó phi lý. Nhưng phi lý cũng tức là có lý. Bát nhã Tâm kinh đã nói rõ ràng : Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. (Sắc là vật chất hữu hình, Không là trống rỗng không có gì cả)
Trong kinh điển Phật giáo thì vạn pháp duy thức, hay nói cách khác, vũ trụ vạn vật chỉ là thức, là thông tin, là số (digital) đã được khẳng định gần 2000 năm trước, khi ngài Thế Thân (zh. 世親, sa. Vasubandhu 316-396 CN) đưa ra hai bộ luận : Duy thức nhị thập luận và Duy thức tam thập tụng khẳng định rằng thế giới chỉ là thức, là thông tin, bởi vì bản chất của thức là thông tin. Nhưng ngày xưa ít có ai hiểu được tư tưởng này, hoặc chỉ hiểu lờ mờ không rõ ràng, ngay cả việc xác định thức chính là thông tin cũng không được bàn luận tới. Mãi tới cuối thế kỷ 20 khi con người phát minh ra máy vi tính, ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, mới có người vỡ lẽ ra thức chính là thông tin. Trong giới Phật tử, hầu như không ai không biết câu “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, thế nhưng có hiểu, có tin hay không lại là chuyện khác.
Chính vì thế giới chỉ là thông tin chứ không có thực thể, không có thực chất, nên người làm chủ được thông tin thì sẽ có thần thông hay công năng đặc dị, có thể làm được những điều mà quần chúng cho là thần tiên. Khoa học kỹ thuật cũng là một dạng làm chủ tri thức, làm chủ thông tin. Nhưng khoa học kỹ thuật dùng tri thức để sản xuất ra vật dụng, máy móc thiết bị và sử dụng máy móc thiết bị đó để sản xuất ra vật phẩm ngày càng nhiều và tinh vi, cũng tạo được công năng thần kỳ, chẳng hạn máy vi tính và điện thoại di động. Còn người có thần thông hay đặc dị công năng thì dùng sức mạnh tâm linh để điều khiển vật chất theo ý muốn. Ví dụ :
Hầu Hi Quý đã dùng cục gạch đập bẹp dúm cái đồng hồ đeo tay của Phó Chủ tịch Công Đoàn tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, sau đó anh dùng sức mạnh tâm linh của mình, trong chớp mắt khôi phục lại nguyên trạng chiếc hồ, chạy tốt bình thường như chưa hề bị đập bẹp.
Trương Bảo Thắng đã xé nát bức tranh của một nhà danh họa Trung Quốc tặng anh, bỏ mảnh vụn vào thau nước, vò nát đến mức phá hủy hoàn toàn. Sau đó chỉ trong chớp mắt khôi phục lại bức tranh y nguyên như chưa hề bị xé.
Tại sao họ có thể làm được những việc thần kỳ như vậy ? Vì bản chất của chiếc đồng hồ và bức tranh cũng chỉ là thông tin, Hầu Hi Quý và Trương Bảo Thắng biết sử dụng một sức mạnh kỳ diệu bất sinh bất diệt có sẵn từ trước khi có vũ trụ, cái đó Phật giáo gọi là Chánh biến tri, nó biết làm tất cả mọi việc một cách tốt nhất.
Kết luận : Duy thức học Phật giáo đã khẳng định từ gần 2000 năm nay rằng thế giới, vũ trụ vạn vật chỉ là thông tin, là ảo, là nằm mơ giữa ban ngày. Bản chất của nó tương đồng với thế giới ảo của điều khiển học do máy vi tính tạo ra, nhưng có độ phức tạp cao cấp hơn rất nhiều. Những thực nghiệm của các nhà ngoại cảm hay những người có đặc dị công năng, cụ thể của các kỳ nhân hiện đại như Hầu Hi Quý, Trương Bảo Thắng, Nghiêm Tân… càng khẳng định rằng vũ trụ đích thực là thông tin, có bản chất là số (digital) nên họ có thể dùng tâm linh điều khiển vật chất một cách dễ dàng theo ý muốn, việc đi xuyên qua tường, hay làm cho cố thể vật chất này đi xuyên qua cố thể vật chất kia mà không phá hỏng nó, cũng không để lại dấu vết (Sự Sự vô ngại) là việc hoàn toàn có thật. Việc biến ra thức ăn hay đồ vật, họ đều có thể làm được. Tùy theo trình độ mà họ có thể dùng tâm niệm di chuyển vật từ nơi khác tới, có thể cách xa hàng trăm, hàng ngàn km, hoặc có thể tổng hợp ra vật từ lượng tử có sẵn, chứ không cần phải đợi con người chế tạo mới có, ví dụ Chúa Jesus đã tạo ra hàng ngàn ổ bánh mì cho tín đồ ăn đỡ đói như chuyện kể trong Kinh Thánh. Các khoa học gia cũng đã trình bày được cơ chế khoa học, chứng minh vũ trụ là thông tin, là số, và cũng tìm được dấu vết thực nghiệm (tiếng ồn toàn ảnh) chứng tỏ bản chất số của vũ trụ. Rõ ràng là giữa Phật giáo và Khoa học đã có sự nhất trí, khoa học ngày càng chứng minh Phật giáo có tri kiến vô cùng sâu sắc về thế giới.
(Truyền Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét