Bài này chúng tôi xin lạm bàn về những tính chất tương tự, giống nhau giữa vật lý và tâm lý, phản ánh tính chất nhất thể giữa tâm và vật tuy rằng cảm nhận trực quan của chúng ta là chúng hoàn toàn khác nhau.
Tại sao có sự tương đồng giữa Vật và Tâm ?
Trước hết cần hiểu thống nhất vật là gì, tâm là gì. Vật thì dễ hiểu rồi, đó là vật chất, vật thể như nhà cửa, xe cộ, vật dụng, nước, không khí, mặt trời, hành tinh, ngôi sao, vạn vật, các hạt hạ nguyện tử như quark, electron, photon, lượng tử, sóng điện từ…Còn Tâm là 8 thức gồm : tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, xúc giác của thân thể, ý thức, mạt-na thức và a-lại-da thức. Theo Phật pháp thì 8 thức là bất sinh, bất diệt, bất nhị, không bị trói buộc bởi không gian, thời gian và số lượng. Mặc dù chia thành 8 thức để dễ hình dung, nhưng nói bất nhị thì phải hiểu chúng liên thông, không phải một cũng không phải nhiều, không thể chia cắt. Như vậy Tâm tức là Phật tánh cũng tức là tánh Không.
Nói sự tương đồng giữa vật và tâm là đề cập một lĩnh vực rất xa lạ với cuộc sống đời thường vì chúng ta luôn cảm thấy vật và tâm là hoàn toàn khác nhau không thể giống nhau (đồng) được. Cuộc sống con người dựa trên những tập quán của 6 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não) nói chung là mang đặc tính duy vật, ở mức độ thô thiển cảm tính thì vật và tâm là hoàn toàn khác nhau. Còn lĩnh vực đang bàn đi sâu hơn vào bản chất, vào lý tính của thế giới. Mà càng đi sâu thì càng vượt qua sự giới hạn của Vật để bước vào lĩnh vực của Tâm.
Chúng ta đều biết vật thì cụ thể, có giới hạn, bị qui định bởi không gian, thời gian và số lượng. Còn tâm thì trừu tượng , vô hạn, không bị qui định bởi không gian, thời gian và số lượng. Ví dụ thân thể chúng ta là một vật, cụ thể là một con người bằng xương bằng thịt. Ví dụ tôi đang ở Hà Nội ngày 12-04-2012 thì tôi không thể đồng thời có mặt ở nơi khác. Nhưng tâm chúng ta thì không bị hạn chế gì cả. Nó có thể đồng thời vừa ở Hà Nội, vừa ở bên Mỹ, vừa ở bên Anh. Tâm khởi niệm tới đâu thì nó liền ở đó. Tâm khởi niệm quá khứ thì nó trở về quá khứ, khởi niệm tương lai thì nó đi tới tương lai. Tuy nhiên sự khởi niệm đó còn rất nông cạn, nó chỉ là suy tư, tâm niệm của ý thức, do đó nó không có khả năng làm biến đổi vật cảnh. Ví dụ muốn biến đổi vật cảnh cần một lực là một triệu newtons. (Newton –N là đơn vị đo lực, 1N=1kgm/s2 – đọc là một newton bằng 1 kilogam mét trên giây bình phương). Nhưng ý thức chỉ tạo được một lực bằng một phần nghìn newton thì không thể nào biến đổi được vật cảnh. Tuy nhiên những người có luyện tập khí công thì ý thức mạnh hơn nên biến đổi được vật cảnh nhiều hơn, chẳng hạn một người có thể tung chưởng đánh ngã một người khác ở cách xa 5m chỉ bằng ý niệm chứ không hề đụng chạm tới người đó. Phật, Bồ Tát làm chủ được a-lại-da thức, nói chung làm chủ được 8 thức thì làm chủ được thế giới, vì thế giới đích thực là do tâm tạo. Chẳng hạn cư sĩ Duy Ma Cật có thể biến ngôi nhà nhỏ bé của mình trở thành rộng lớn đủ sức chứa 9 triệu Bồ tát ở cõi Chúng Hương đến. Điều này cũng không phải là hoang đường, tin học ngày nay đã vận dụng nguyên lý đó (không gian không có thật) để biến một cái thẻ nhớ (memory card) nhỏ bằng cái móng tay có thể chứa sách vở của cả một thư viện lớn. Đó là trong tình trạng khoa học còn hạn chế, chứ giả sử con người tạo được một bit thông tin nhỏ bằng một chất điểm, thì một thẻ nhớ như thế chứa được cả vũ trụ. Rõ ràng là thuyết Big Bang nói rằng vũ trụ khởi nguyên chỉ là một chất điểm có kích thước Planck (10-33 mười lũy thừa trừ 33) cm. Kích thước này là một điểm kỳ dị gần như bằng không. Thuyết Big Bang dựa trên quan sát thiên văn thấy vũ trụ không ngừng giãn nở, các thiên hà rời xa nhau nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng, bằng chứng là người ta tìm thấy các tàn tích của vụ nổ lớn. Năm 1964, hai nhà vô tuyến học Arno Penzias và Robert Wilson tình cờ phát hiện ra bức xạ phông vi sóng vũ trụ CMB (Cosmic Microwave Background), một tín hiệu thuộc bước sóng vi ba đến từ mọi hướng trong không gian. Việc phát hiện này mang lại chứng cứ thực nghiệm quan trọng xác nhận những tiên đoán tổng quát về: bức xạ được đo với tính chất phù hợp hoàn hảo với phổ bức xạ vật đen trong mọi hướng; phổ này cũng bị dịch chuyển đỏ bởi sự giãn nở của không gian vũ trụ, với giá trị nhiệt độ ngày nay đo được xấp xỉ 2,725 độ K . Sự đồng đều tinh tế này là kết quả ủng hộ cho mô hình Vụ Nổ Lớn, và Penzias cùng Wilson nhận giải Nobel Vật lý năm 1978 cho khám phá của họ.
Big Bang là vụ nổ làm phát sinh vũ trụ khởi đầu từ một điểm kỳ dị
Các nhà khoa học tính toán tuổi của vũ trụ tương đối chính xác là 13,8 tỉ năm nhưng đường kính của vũ trụ theo tính toán hiện nay là 93 tỉ năm ánh sáng. Điều đó chứng tỏ các thiên hà rời xa nhau nhanh hơn tốc độ ánh sáng.
Tóm lại Big Bang là một thuyết về sáng thế dựa trên cơ sở khoa học. Ban đầu vũ trụ chỉ là con số không, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng vật chất, không có sinh vật. Sau vụ nổ tất cả mới hình thành. Tuy nhiên Phật giáo nói rằng cái không trước thời điểm sáng thế đó chính là Tâm bất nhị, bất sinh, bất diệt. Con số không hay điểm kỳ dị của vũ trụ đó tương ứng với cái mà Phật giáo gọi là vô thủy vô minh. Còn vụ nổ tương ứng với cái Phật giáo gọi là nhất niệm vô minh. Thật ra chẳng có vụ nổ nào cả, Big Bang cũng chỉ là một ảo tưởng giống như cõi thế gian này, khi nhất niệm vô minh khởi lên thì tất cả được tưởng tượng ra. Nhưng tưởng tượng đó rất có cơ sở khoa học, Phật giáo diễn tả bằng thuyết Thập nhị nhân duyên. Tất cả vật chất của vũ trụ đều là cấu trúc ảo do các hạt ảo tạo thành. Cấu trúc cơ bản của vật chất là nguyên tử thật ra không phải là vật, chỉ là tưởng tượng mà thôi, nhưng đa số người đời, kể cả một số nhà khoa học đều tưởng là vật thật. Chỉ có các nhà khoa học có tư duy độc lập và sâu sắc mới thấu hiểu.
Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Nếu nguyên tử không phải là vật, thì cái nhà, cái xe, cái thân tứ đại của ta chỉ là thế lưu bố tưởng chứ không phải sự thật tuyệt đối. Nhưng dù sao đó cũng là một sự thật tương đối. Vậy sự thật tương đối là tùy thuộc cái gì ? Nó tùy thuộc vào cái Phật giáo gọi là nhất niệm vô minh. Nói theo Heisenberg, nguyên tử tạo thành một thế giới tiềm thể tức có khả năng hiện hữu nhưng chưa thực sự hiện hữu, nó chỉ thực sự hiện hữu khi tâm niệm khởi lên. Điều này thì Von Neumann đã xác nhận như dẫn chứng ở trên. Không phải chỉ có Von Neumann xác nhận, còn có nhiều nhà khoa học khác như Amit Goswami, như Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963), Wigner nói : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Khi các nhà khoa học dùng bất đẳng thức Bell để kiểm chứng giả thuyết EPR (do Einstein, Podolsky và Rosen) đưa ra, họ phát hiện rằng hạt photon không có sẵn bất cứ đặc tính nào cả, các đặc tính chỉ phát sinh khi họ tiến hành quan sát và đo đạc. Như vậy tính hiện thực (Realism) và định xứ (Locality) của photon là do tâm niệm của họ gán vào chứ không phải có sẵn. Trong nhiều thí nghiệm, điển hình là của Alain Aspect tiến hành tại Paris trong thập kỷ 1980, bất đẳng thức Bell luôn bị vi phạm, chứng tỏ giả thuyết EPR là sai. Photon không hiện thực cũng không định xứ, điều đó là một chứng cớ rõ ràng cho thuyết lý của Phật giáo nói rằng vật không có tự tính, vật chỉ là tưởng tượng. Như vậy thì rõ ràng vật chỉ là ảo cho dù có tới 6 giác quan xác nhận. Và điều kiện để cho cấu trúc ảo của vật thành hiện thực là tâm phải khởi niệm, tâm phải khởi niệm để tưởng tượng cấu trúc ảo thành vật thật. Như vậy đích thực cấu trúc H2O chỉ trở thành nước khi tâm khởi niệm tưởng tượng, nếu không có khởi niệm thì H2O chỉ là những hạt ảo quark, electron, thực tế là không có gì cả, chỉ là tánh không như Phật giáo đã nói từ hơn 2500 năm nay. Cái nhất niệm vô minh đó tiếp tục mãi mãi không ngừng nghỉ, kể cả khi một con người đã chết, thể xác tan rã, nhưng tâm niệm đó vẫn còn, là cái người bình dân gọi là linh hồn hay vong linh ở cõi âm, nó sẽ đầu thai thành một chúng sinh khác, tạo thành vòng luân hồi sinh tử mới. Rõ ràng hiện nay có người tiếp xúc được với vong linh và người ta lợi dụng khả năng đó để tìm mộ. Một số kẻ bịp bợm cũng lợi dụng lòng tin đó của người đời để kiếm tiền phi pháp.
Tóm lại vật và tâm tương đồng là vì vật chỉ là sản phẩm tưởng tượng của tâm. Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật.
Một số biểu hiện tương đồng giữa Vật và Tâm
Tính phi hiện thực, bất định xứ và phi số lượng của Vật
Vì tâm có những tính chất nêu trên nên vật và tâm tương đồng hay nói cách khác vật chính là tâm nên vật cũng có những tính chất giống như tâm.
Tính phi hiện thực (unrealism) tính bất định xứ (nonlocality) và tính phi số lượng (non-quantity) thể hiện rõ ràng qua hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement).
Số spin hay những tính chất khác của photon không phải có sẵn. Khi người ta quan sát và đo đạc thì chúng mới xuất hiện, đó là tính phi hiện thực tương ứng với điều Phật giáo nói là pháp vô tự tính.
Tính bất định xứ thể hiện ở chỗ photon không có vị trí nhất định trong không gian. Nó có thể xuất hiện ở bất cứ chỗ nào và xuất hiện tức khắc, khoảng cách giữa hai photon vướng víu là không có thực, vì tín hiệu không có di chuyển từ photon A qua photon B nên cũng không mất chút thời gian nào. Từ tên gọi cho tới đặc tính của photon đều là tâm niệm của người khảo sát gán ghép cả.
Tính phi số lượng thể hiện ở chỗ một photon có thể xuất hiện đồng thời ở vô số vị trí khác nhau như Maria Chekhova đã làm thí nghiệm để nó xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau.
Sở dĩ vật có những tính chất như trên là vì vật là ảo. Ảo tức không có thật, chỉ là tưởng tượng, thì nó hoàn toàn tương đồng với tâm niệm.
Nhiều nhà khoa học hiện nay cho rằng những tính chất phi hiện thực, bất định xứ và phi số lượng chỉ đúng trong trường hợp lượng tử mà không đúng trong trường hợp các vật thể. Tôi cho rằng không phải. Những tính chất đó cũng đúng đối với các vật thể đời thường nhưng việc thực hiện đòi hỏi nhiều điều kiện hơn. Điều kiện căn bản là tâm lực phải đủ mạnh. Tâm lực phải đủ mạnh mới thắng được các lực vật lý. Đối với một photon thì tâm lực của bất kỳ người nào cũng đủ sức ảnh hưởng tới nó. Nhưng đối với một vật thể như một gói thuốc lá, một viên thuốc, một cái bánh, thì có rất ít người có tâm lực đủ mạnh để ảnh hưởng tới chúng. Rất ít nhưng không phải không có. Những người có đặc dị công năng đã chứng tỏ sức mạnh tâm niệm của họ có thể di chuyển vật thể. Trương Bảo Thắng đã dùng sức mạnh đó để lấy chiếc áo ngực mà một nữ ảo thuật gia nước ngoài đang mang trong người ngay trong lúc bà ta đang lớn tiếng chỉ trích đặc dị công năng. Anh cũng dùng sức mạnh đó để lấy sợi dây nịt mà một nhà xã hội học đang mang trong người cũng ngay trong lúc ông ta đang đăng đàn ngồi phê phán đặc dị công năng. Hầu Hi Quý đã dùng sức mạnh tâm niệm để lấy một gói thuốc lá ở một khoảng cách rất xa hàng ngàn cây số. Những biểu diễn này chứng tỏ tính chất bất định xứ của vật thể. Chiếc xú-chiêng (soutien) không nhất thiết phải nằm trên ngực nữ ảo thuật gia, nó có thể tùy niệm mà xuất hiện bất cứ ở đâu giống như hạt photon. Hầu Hi Quý đã biểu diễn cho mọi người thấy anh ta dùng khẩu súng K54 của chính cận vệ của huyện trưởng Khâu Đức Đỉnh của huyện Hán Thọ, bắn vào bàn tay trái của ông huyện trưởng, đạn nổ mọi người đều nghe thấy, nhưng đầu đạn thì bị tâm niệm của Hầu Hi Quý khống chế, nó biến mất khỏi vỏ đạn, vỏ đạn văng xuống đất, nhưng đầu đạn không đi qua bàn tay (bàn tay không hề bị thương) cũng không đi xuyên qua hai lớp áo (áo không hề bị rách) mà xuất hiện gọn trong túi áo trong của Khâu huyện trưởng. Điều đó cho thấy đầu đạn đã biến mất khỏi cây súng và xuất hiện trong túi áo trong của ông huyện trưởng mà không hề di chuyển, không hề có quỹ đạo của đường đạn, chính vì lẽ đó mà súng có nổ thật, nhưng bàn tay không bị thương, áo ngoài và áo trong đều nguyên vẹn không hề bị rách. Điều đó chứng tỏ đầu đạn là vật ảo, nó xuất hiện ở đâu là tùy tâm niệm. Còn nếu không có tâm lực nào đủ mạnh để khống chế thì đầu đạn sẽ đi theo tập quán của số đông.
Lực quán tính (inertia force)
Trong vật lý học lực quán tính là sức ỳ của vật thể, nó có khuynh hướng giữ cho vật thể đứng yên, nó làm cho vật thể trở nên có định xứ (locality). Ví dụ như một chiếc xe hơi, nó đậu yên một chỗ bên lề đường. Muốn nó di chuyển, phải dùng lực của động cơ đẩy nó đi. Lực của động cơ phải lớn hơn lực quán tính của chiếc xe mới khiến nó chuyển động. Ngoài lực quán tính của bản thân chiếc xe, nó còn bị lực trọng trường của Trái đất hút chặt xuống mặt đường. Lực trọng trường tạo ra một phản lực ngược chiều với nó và có sức mạnh bằng với nó tác động lên bốn bánh xe và hai lực triệt tiêu nhau, nhưng hai lực đối nghịch này tạo ra một lực ma sát khá lớn của 4 bánh xe đè lên mặt đường. Do đó lực của động cơ phải lớn hơn hợp lực giữa lực quán tính của chiếc xe và lực ma sát, mới có thể đẩy chiếc xe đi qua hệ thống truyền lực làm quay bánh xe. Trong trường hợp của chiếc máy bay phản lực thì động cơ tạo ra một sức đẩy ngược chiều với hướng bay của chiếc phi cơ để đẩy nó đi tới. Phản lực hữu hiệu trong không gian vũ trụ nơi không có không khí. Chúng ta thấy phi thuyền Hằng Nga 3 khi đáp xuống Mặt trăng phải dùng động cơ phản lực để hãm chậm tốc độ rơi, chống lại lực trọng trường của Mặt trăng mới có thể hạ cánh mềm (đáp nhẹ nhàng) xuống bề mặt Mặt trăng.
Trong tâm lý thì lực quán tính tương ứng với tập quán hay thói quen của chúng sinh. Các sinh vật đều có tập tính tức là thói quen hành động của chúng được lưu truyền từ đời này sang đời khác nên người ta còn gọi là bẩm sinh. Còn con người cũng có những thói quen như vậy mà người ta gọi là văn hóa. Có người cho rằng chỉ khi con người bắt đầu có cuộc sống văn minh mới có văn hóa. Nhưng ngay từ thời tiền sử chưa có văn minh, con người vẫn có văn hóa. Cuộc sống bầy đàn chung chạ là văn hóa của thời đó.
Ngạn ngữ cổ Trung Quốc có câu thánh nhân vô phụ cảm thiên nhi sinh 聖人無父感天而生 (thánh nhân không có cha, do cảm ứng với trời mà sinh ra). Đây đích thực là một thứ tâm lý ấu trĩ của người đời, họ cho rằng chuyện nam nữ giao cấu là bậy bạ, đồi bại. Các bậc thánh nhân mà phải chui qua âm đạo của người đàn bà để ra đời là chuyện rất khó coi. Vì vậy họ thêu dệt những huyền thoại. Ví dụ : mẹ của Hoàng Đế 黄帝 tên là Phụ Bảo附寶nhân vì ở ngoài đồng nhìn thấy sấm chớp vây quanh sao Bắc Đẩu nên đã cảm ứng mà có thai, sau 24 tháng sinh ra Hoàng Đế ở Thọ Khâu壽丘. Mẹ của Viêm Đế 炎帝 tên là Nhâm Tự 任姒 khi dạo chơi ở Hoa Dương華陽gặp “thần long thủ” 神龍首cảm ứng mà sinh ra Viêm Đế. Mẹ của Chuyên Húc顓頊tên là Nữ Xu女樞, gặp “vầng sáng như cầu vồng bao quanh mặt trăng, cảm Nữ Xu tại cung U Phòng 幽房mà sinh ra Chuyên Húc”. Mẹ của ông Khế契, thuỷ tổ của triều đại nhà Thương, một hôm đang tắm bên bờ sông, nhân vì nuốt phải trứng chim yến (thời cổ gọi chim yến là “huyền điểu” 玄鳥) mà có thai sinh ra ông Khế. Người Chu đối với Khương Nguyên 姜嫄, mẹ của thuỷ tổ Hậu Tắc后稷đã hết lời ca tụng rằng: Khương Nguyên không có con, liền cung kính tế Thượng Đế, khi quay về đã giẫm lên dấu chân của Thượng Đế, liền:
Tái chấn tái túc載震載夙 Mang lại sự rung động buổi sớm
Tái sinh tái dục載生載育 Mang lại sự sinh sản và dưỡng dục
Và bà đã mang thai sinh ra Hậu Tắc. Hậu Tắc sinh ra rất li kì, giống như bào thai của loài dê nhưng không mở ra. Khương Nguyên liền hỏi vu bốc. Thầy vu bảo rằng đó là ý muốn của Thượng Đế, không tế tự tốt thì làm sao sinh được con. Vì thế Khương Nguyên đem Hậu Tắc bỏ ở bên đường nhỏ, kết quả là:
Ngưu dương phì tự chi
牛羊腓字之
Bò dê yêu quý che chở, tránh không giẫm lên
Bò dê đã không giẫm lên mà còn cho bú. Bà lại nhặt lên bỏ vào trong rừng, lại được người đốn củi nhặt về. Lần thứ 3, bà vất Hậu Tắc trên băng lạnh để cho chết cóng, nhưng kết quả là:
Điểu phú dực chi
鳥覆翼之
Chim liền dùng cánh che chở
Bầy chim dùng đôi cánh che cho đứa bé khỏi lạnh. Khương Nguyên cảm thấy kì lạ, nên đã đem về nhà nuôi dưỡng, đặt tên là “Khí” 棄(tức từng 3 lần bị vứt bỏ). Về sau ông Khí trở thành tổ tiên của triều đại nhà Chu, rất giỏi về nghề nông, ông được người đời sau tôn là Nông thần Hậu Tắc.
Thật ra thánh nhân không có cha chỉ vì cái văn hóa lúc đó là chưa có chế độ hôn nhân, con người chưa có ý niệm về cuộc sống gia đình một vợ một chồng, đó là xã hội bộ lạc nguyên thủy, con người sống tự do thoải mái không bị ràng buộc, còn theo chế độ mẫu hệ, trẻ sinh ra chỉ biết có mẹ mà không biết cha là ai, thánh nhân không phải không có cha, chỉ là không biết cha là ai. Để tránh cho thánh nhân phải chui mình trần qua âm đạo dơ dáy, người ta bèn thêu dệt là thánh nhân được sinh ra trong bọc điều. Cũng có người sinh ra trong bọc điều thật như Hư Vân hòa thượng. Đẻ bọc điều chẳng qua là do bọc nước ối chứa thai nhi quá dai hơn bình thường, không tự vỡ ra khi sinh mà lọt ra ngoài cùng với thai nhi trong đó.
Tất cả nhận thức về thế giới của con người đều do tập quán qui định. Vật chất thì có quán tính còn Tâm thức thì có tập quán, đó là một trong những điểm tương đồng giữa vật và tâm. Lực quán tính giữ cho vật đứng yên hoặc nếu có chuyển động thì giữ mãi chuyển động đó theo quỹ đạo nhất định, nếu không có ngoại lực tác động thì đó là chuyển động đều, không thay đổi như Trái đất quay đều đều chung quanh mặt trời với tốc độ không đổi là 365 ngày 6giờ thì giáp một vòng. Một vật thể nếu đang chuyển động đều mà nếu có tăng hay giảm lực tác động thì sẽ có gia hay giảm tốc. Khi Hằng Nga 3 còn cách mặt trăng 100 m, nó cần dừng lại để quan sát, khi đó phản lực của động cơ tăng lực để cân bằng với lực trọng trường của mặt trăng giúp nó đứng yên. Tập quán của chúng sinh thì giữ cho chúng sinh hành động theo khuôn mẫu cố hữu, theo cái mà ngày nay hay gọi là văn hóa. Khi có giao lưu với nền văn hóa khác thì sẽ có thay đổi, khi thay đổi đến tận nền tảng thì gọi là cách mạng.
Hiện tượng giam hãm (confinement)
Hiện tượng này xảy ra ở mức độ hạ nguyên tử (subatomic). Ba hạt quark (2up+1down) kết hợp lại thành hạt proton. Ba hạt quark kết hợp theo kiểu khác (1up+2down) thì tạo thành hạt neutron.
|
Hạt proton
|
|
Hạt neutron
|
Các hạt này là thành phần của hạt nhân nguyên tử.
Ví dụ :
Nguyên tử carbon có 6 proton và 6 neutron ở hạt nhân cùng với 6 electron xoay chung quanh phân bố trên hai tầng.
Hạt proton và hạt neutron vô cùng bền vững, ba hạt quark bị giam hãm gần như vĩnh viễn trong hạt proton hoặc hạt neutron, chẳng có cách nào làm cho chúng tách rời nhau ra được. Vì vậy người ta gọi ba hạt quark bị giam trong chúng là hiện tượng giam hãm (confinement) hầu như vĩnh viễn. Trong máy gia tốc LHC (Large Hadron Collider), người ta cho hai chùm hạt proton chạy ngược chiều nhau với vận tốc gần bằng ánh sáng để chúng đập vào nhau thật dữ dội, kết quả khám phá ra hạt Higgs ngày 4-7-2012, nhưng cũng không thể phá vỡ được hạt proton.
Trong tâm lý, tập quán cố chấp kiên cố tương ứng với hiện tượng giam hãm. Tục ngữ có câu “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” nói lên sự kiên cố của thói quen. Nhưng mức độ kiên cố này chỉ mới tương ứng với lực quán tính của vật chất, chỉ là sự tương đồng giữa lực quán tính và tập quán mà thôi. Còn hiện tượng giam hãm thì phải tương ứng với một tập quán tâm lý sâu xa hơn nữa, đó là sự nhận thức cơ bản của các giác quan. Nhận thức này hầu như giống nhau ở đại đa số mọi người.
Con người có thói quen thấy bằng con mắt và ánh sáng, nghe bằng lỗ tai và sóng âm, ngửi bằng mũi và các phân tử khí có cấu trúc hóa học tương ứng với thụ thể của mũi. Trong mũi của con người có khoảng 5 triệu đơn vị thụ thể để cảm nhận và phân biệt mùi, hương thơm và mùi hôi thúi cũng có rất nhiều loại cho cảm nhận khác nhau. Con chó có khả năng phân biệt mùi tinh tế hơn con người rất nhiều lần vì trong mũi của chúng chứa tới 220 triệu thụ thể cảm nhận mùi. Con người quen nếm vị của thức ăn nước uống bằng lưỡi. Khi sinh ra, mỗi người có trên 10,000 nụ nếm rải rác ở đầu lưỡi, hai bên cạnh và phía sau lưỡi. Nụ nếm là cơ quan cảm thụ vị giác. Người cao tuổi thì chỉ còn khoảng 5.000 nụ nếm hoạt động nên ăn uống mất ngon đi nhiều, vì sự phân biệt đã kém tinh tế. Xúc giác tức cảm giác tiếp xúc của thân thể con người là một phần rất quan trọng trong đời sống con người, nó liên quan rất nhiều với cuộc sống tình cảm và tính dục. Cảm giác xúc giác là do các đầu dây thần kinh nằm dưới da, chúng được phân bố không đồng đều, do đó có vùng nhạy cảm hơn các vùng khác. Cuộc sống lứa đôi của con người là lĩnh vực mà xúc giác phát huy tác dụng mạnh mẽ nhất, các bộ phận sinh dục của nam nữ là những vùng xúc giác nhạy cảm nhất, thiên nhiên đã thiết kế chúng cho cuộc sống hòa hợp hạnh phúc vợ chồng và duy trì nòi giống. Tất cả cảm giác thu thập được từ 5 giác quan này đều dẫn về não để nhận thức và phân tích. Não là trung tâm của ý thức và tư duy.
Sự hoạt động của 6 giác quan này chỉ là một thói quen được giả lập lâu đời và truyền từ đời này qua đời khác, một thói quen rất sâu đậm khiến tuyệt đại đa số mọi người đều cho rằng điều đó là hiển nhiên chứ không ai ngờ rằng đó chỉ là những cơ chế ảo hóa được tạo ra làm cơ sở cho tưởng tượng mà Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng. Chính sự tưởng tượng này tạo ra không gian, thời gian, vạn vật và nhân sinh. Trên Trái đất này chỉ có một người duy nhất là Đức Phật Thích Ca giác ngộ điều đó và Ngài đã diễn giải nhận thức này trong Thập nhị nhân duyên. Sau đó mới truyền dạy cho đệ tử và tín đồ. Các Tổ Sư về sau mới khai triển rộng ra, viết thành hàng ngàn kinh điển.
Vậy hiện tượng giam hãm trong vật lý tương ứng với lục căn, lục trần, lục thức, tổng cộng 18 giới trong Tâm học Phật giáo. Sau này, phái Duy thức bổ sung thêm hai thức Mạt-na và A-lại-da, tổng cộng 20 giới, đó là toàn bộ vũ trụ vạn vật. Tại sao tôi cho rằng hiện tượng giam hãm tương ứng với 20 giới ? Vì hiện tượng đó là then chốt của vũ trụ vạn vật. Chính hiện tượng giam hãm đối với hạt proton và hạt neutron là cơ sở tạo ra nguyên tử vật chất vững chắc, ổn định, lâu bền với khoảng 100 nguyên tố từ đó hình thành thiên hà, ngôi sao, hành tinh, sông núi, nước, không khí, sinh vật, con người. Nếu không thì không thể tạo ra cấu trúc vật chất ổn định vững chắc. Thói quen nhận thức của con người đều dựa trên cấu trúc này và từ đó hình thành một tập quán nhận thức về vũ trụ nhân sinh mà Phật giáo đã tổng kết thành 20 giới.
Tại sao nói đó chỉ là tập quán chứ không phải sự thật hiển nhiên ? Bởi vì sự thật không hẳn thấy bằng con mắt, nghe bằng lỗ tai, ngửi bằng lỗ mũi, nếm bằng lưỡi, cảm giác tiếp xúc bằng thân thể và cảm nhận tổng hợp tư duy bằng bộ não. Sự thật không phải như thế.
Các nhà đặc dị công năng đã chứng tỏ thấy có thể bằng cái trán, lỗ mũi hay cái nách chứ không nhất thiết bằng con mắt. Trương Bảo Thắng có thể nhận ra chữ bằng lỗ mũi mặc dù chữ đó bị giấu kín trong bao thư dày. Sóng siêu âm có thể cho phép các bác sĩ thấy bằng mắt bên trong cơ thể của bệnh nhân chứ không phải nghe bằng lỗ tai. Bộ não không phải chỉ có khả năng cảm nhận phân tích cảm giác hay tư duy, nó còn có khả năng kỳ diệu lấy được đồ vật bằng ý niệm thay vì bằng tay chân. Trương Bảo Thắng từ lúc còn bé thơ đã có khả năng lấy bánh kẹo mà mẹ của em cất kỹ trong hộc tủ có khóa, chỉ bằng tâm niệm. Hầu Hi Quý nhiều lần biểu diễn lấy thuốc lá và rượu bằng tâm niệm từ những nơi rất xa xôi.
Vậy thì thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc thân thể, ý thức, thật sự là do cái gì ? Phật giáo nói rằng lục thức là do tâm chứ chẳng phải do vật, do đó một số nhà ngoại cảm hay đặc dị công năng không dùng mắt, không cần ánh sáng vẫn thấy được. Các vong linh không có thân thể vật chất nhưng vẫn thấy nghe được, vẫn có ý thức, vẫn ngửi nếm được thực phẩm do con cháu cúng kiến. Kinh điển Phật giáo còn nói trong cõi vô sắc, chúng sinh không có thân thể vật chất, không có cả hình tướng dù chỉ là ảo ảnh, chỉ có làn sóng tâm niệm thì đó vẫn là cõi giới có sự sống, có sinh tử Kinh nói ông Uất-đầu-lam-phất (鬱頭藍弗Udraka-ràmaputra) tu Tứ vô biên xứ định: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đạt tới cõi trời vô sắc cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở cõi giới này không còn phân biệt tâm niệm với phi tâm niệm, một cõi giới cực kỳ thanh tịnh, nhưng sự chấp ngã vẫn chưa dứt nên ông Uất Đầu Lam Phất khi chết đầu thai thành con chồn bay (phi thiên hồ 飛天狐). Trong Phật Thuyết Vô Thường Kinh có kể :
Ðương thời, vua nước Ma-kiệt-đà rất tôn kính Uất-đầu-lam-tử. Vua cho rằng pháp thuật và công phu thiền định của ông ta hơn hẳn Nặc-cự-la (诺距罗Nakula,vị A La Hán thứ 5 trong 16 vị La Hán, đệ tử đắc đạo của Phật) nên cứ cách mỗi nửa tháng thì tổ chức một lần trai diên齋筵(tiệc chay dọn trên chiếu tre) để cúng dường Uất-đầu-lam-tử. Mỗi lần đến, ông ta đều bay từ không trung xuống, thần khí phi thường.
Khi đến cung điện, ông được vua và hoàng hậu đảnh lễ, có một lần, cái trán của hoàng hậu xinh đẹp khẽ chạm vào bàn chân ông, khiến ông khởi niệm hoan lạc, niệm này cứ đeo bám tâm tư ông, không buông bỏ được. Do mống khởi ý niệm này mà công phu thiền định bấy lâu của Uất-đầu-lam-tử đều tiêu mất, không bay được nữa. Ông ta đành đi bộ về lại ngọn núi chỗ mình ở.
Về nhà, Uất-đầu-lam-tử kinh sợ, thấy không thể coi thường nên vội kiết già tọa thiền để công lực khôi phục lại. Nhưng khi mới ngồi xuống thì trong đầu hiện lên toàn giọng nói êm như ru và hình bóng mỹ miều của hoàng hậu, ông ta không thể nhập định được. Uất-đầu-lam-tử chạy vào rừng ngồi thì tiếng kêu rú của chim thú vang lên trong tai. Ông ta chạy đến bên sông thì lại nghe tiếng huyên náo của các loài cá, ba ba dưới nước quẩy lộn. Không nhập định được, ông ta căm ghét bọn chúng, giận dữ lập một ác nguyện: “Ta nguyện đời sau đầu thai làm một quái vật, trên trời quắp hết các loài chim, dưới đất vồ chụp hết dã thú, trong nước túm bắt tất cả cá, ba ba.” Vì khởi ác niệm như thế nên toàn bộ công phu thiền định trước kia của ông ta đều tiêu mất. Ðáng thương hơn là sau khi chết, ông ta bị đọa, đầu thai thành con chồn bay (phi ly 飛狸) chuyên bắt cá bắt chim ăn thịt.
Cho nên, đối với Thích Ca, đó vẫn chưa phải là cứu cánh vì vẫn còn luân hồi sinh tử dù cho tuổi thọ của cõi trời vô sắc rất lâu dài.
Hiện tượng giam hãm (confinement) quan hệ tương ứng với 20 giới như thế nào ?
Ngày nay tin học rất phát triển, chúng ta đều biết rằng thế giới ảo kỹ thuật số (digital) dựa trên sự vận hành của electron. Sự lưu chuyển của dòng electron tạo ra dòng điện. Sự đóng mạch hay ngắt mạch của dòng điện được ký hiệu là 1 và 0 theo hệ đếm nhị phân. Đó là sự số hóa thành dữ liệu (data) các chữ viết, hình ảnh, âm thanh và video cũng như các chương trình điều khiển, nhiều kiểu vận động khác trong cuộc sống đời thường. Ví dụ máy tính, điện thoại, tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa, xe hơi, máy bay, tàu thủy…tất cả thiết bị đều có thể được điều khiển bằng chương trình, những chương trình điều khiển đó gọi chung là phần mềm (softwares) hay còn gọi là ứng dụng (applications).
Nhưng để các softwares có thể hoạt động, cần phải có thiết bị tương ứng và tương thích với chúng. Các thiết bị này gọi là phần cứng (hardwares). Các thiết bị cũng cần được cung cấp một nguồn năng lượng để hoạt động, đó là điện năng. Các nguồn năng lượng khác như nhiệt năng (dầu mỏ, khí đốt, chất đốt), thế năng (lợi dụng sức nước từ trên cao chảy xuống thấp), phong năng (sức gió), quang năng (ánh sáng mặt trời)…tất cả đều phải biến thành điện năng thì mới sử dụng được cho các thiết bị tin học.
Còn thiết bị, phần cứng là gì ? Đó là vật chất, có những tính chất như cứng, chắc, ổn định, khó thay đổi. Cái gì tạo ra các tính chất cứng, chắc, ổn định đó ? Đó chính là hạt nhân nguyên tử. Hạt nhân chính là cơ cấu qui định nguyên tố này với nguyên tố khác. Chúng ta đều biết theo công thức chuyển đổi vật chất và năng lượng nổi tiếng của Einstein : E = mc2
Như vậy tất cả vật chất đều có thể biến thành năng lượng, sự phân biệt nguyên tố này, nguyên tố kia chỉ là giả tạm, bởi vì tất cả nguyên tố đều cấu thành từ cùng một thứ hạt cơ bản như nhau, đó là quark và electron. Nhưng thực tế rất khó chuyển đổi, mãi đến đầu thế kỷ 20 con người mới lần đầu tiên phá vỡ được hạt nhân nguyên tử để biến một nguyên tố này thành một vài nguyên tố khác, đồng thời giải phóng một năng lượng rất lớn mà người ta ứng dụng trong vũ khí nguyên tử hay trong các nhà máy điện nguyên tử. Nhưng cũng chỉ có vài nguyên tố dễ thực hiện như Uranium, Plutonium. Còn đối với đa số các nguyên tố khác, chưa có khả năng phá vỡ hạt nhân được. Ngoài việc phá vỡ hạt nhân, người ta cũng có thể tổng hợp hạt nhân theo cách sau :
Cho hạt nhân nguyên tử Deuterium kết hợp với hạt nhân nguyên tử Tritium (đây là 2 đồng vị với hydrogen)
Hydrogen Deuterium Tritium
Phản ứng sẽ tạo thành nguyên tử Helium, giải phóng một số năng lượng (Energy) và thừa ra một neutron. Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện thí nghiệm thành công tổng hợp nhiệt hạch với lò phản ứng EAST (Experimental Advanced Superconducting Tokamak – Lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thí nghiệm siêu dẫn tiên tiến).
Lò phản ứng nhiệt hạch EAST bên ngoài và bên trong
EAST đưa TQ vào nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu phản ứng tổng hợp hạt nhân. Viện Khoa học Vật lý Hợp Phì, tỉnh An Huy, thuộc Viện khoa học TQ đã hoàn tất EAST trong tháng 3/2006 và tiến hành thí nghiệm trong ngày 28/09/2006. Điều kiện cho phản ứng xảy ra là nhiệt độ trong lò phải đạt tới 400-500 triệu độ C, cao hơn nhiều so với trước kia người ta thường nghĩ là 100 triệu độ C. Thí nghiệm tạo ra được dòng điện 500 nghìn am-pe kéo dài trong 5 giây. Muốn thương mại hóa việc sản xuất điện bằng tổng hợp nhiệt hạch, cần phải tạo được dòng điện kéo dài tối thiểu 1000 giây tức khoảng 15 phút cho một lần phản ứng. Do đó, từ thí nghiệm thành công đầu tiên tới nhà máy tổng hợp nhiệt hạch đầu tiên cũng còn khá xa vời.
Vấn đề đặt ra là sức mạnh nào có đủ khả năng để thay đổi cấu trúc hạt nhân nguyên tử, để biến nguyên tố này thành nguyên tố kia, thậm chí làm phá vỡ hiện tượng giam hãm của các hạt proton và neutron ? Các nhà khoa học biết rằng muốn phá vỡ hiện tượng giam hãm phải cần tới một năng lượng vô hạn. Năng lượng vô hạn không thể nào có được, nên các nhà khoa học đành chịu bó tay. Nhưng các nhà Phật học không nghĩ như vậy, họ luôn nghĩ rằng Tâm là nguồn năng lực vô hạn, tất cả đều là do tâm tạo, nên tâm chắc chắn là làm được việc đó. Truyện cổ dân gian, kinh điển Thiên Chúa giáo và kinh điển Phật giáo đều có đề cập đến sức mạnh kỳ diệu của tâm linh. Cái nồi Thạch Sanh đựng cơm múc bao nhiêu cũng không hết. Chúa Giê Su chỉ có 5 ổ bánh mì và 2 con cá nhưng chia cho một vạn tín đồ ăn no mà vẫn còn dư. Ngôi nhà nhỏ bé của cư sĩ Duy Ma Cật ở thành phố Tỳ Xá Ly đủ chỗ chứa cho hàng triệu Bồ Tát từ cõi Chúng Hương đến cõi Ta Bà tham quan cảnh giới của Phật Thích Ca.
Những câu chuyện đó, đa số mọi người đều cho rằng chỉ là tưởng tượng hoang đường không thể nào có thật được. Nhưng đừng quên thuyết Big Bang nói rằng vũ trụ ở thời điểm 10-43 giây chỉ là chất điểm có kích thước Planck 10-33 cm. Thuyết Big Bang chẳng phải hoàn toàn có cơ sở khoa học sao ? Mặt khác cơ học lượng tử đã nói rõ tính chất phi hiện thực (unrealism) và bất định xứ (non locality) của lượng tử, ngoài ra từ hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) của 100.000 photon mà Maria Chekhova đã làm thực nghiệm năm 2012 cũng đủ để rút ra kết luận về tính chất phi số lượng (non quantity) của lượng tử. Như vậy rõ ràng vũ trụ vạn vật chỉ là ảo.
Hiện tượng giam hãm là tương ứng với tâm cố chấp vô cùng kiên cố của chúng sinh, cụ thể là con người. Nếu phá được tâm cố chấp đó tức là phá được sự giam hãm, phá được hạt nhân nguyên tử của tất cả mọi nguyên tố một cách dễ dàng, như thế thì sẽ điều khiển được vật chất theo tâm niệm. Trường Bảo Thắng dùng tâm niệm phục nguyên dễ dàng một bức tranh bị xé nát, vò cục ngâm nước. Hầu Hi Quý dùng tâm lực phục nguyên một chiếc đồng hồ tay bị đập bẹp. Chẳng phải là họ đã làm được cái việc mà các nhà khoa học bó tay đó sao ? Trương Bảo Thắng dùng tâm niệm lấy được một quả táo ra khỏi chiếc thùng sắt bị hàn kín, điều đó chứng tỏ quả táo và thùng sắt đều chỉ là vật ảo, và chúng tuân theo tâm lực mạnh. Nếu không bị tâm lực nào đủ mạnh để chi phối thì chúng tuân theo tập quán của số đông. Hãy xem lại biểu diễn của Trương Bảo Thắng:
Trương Bảo Thắng - lấy trái táo ra khỏi thùng sắt bị hàn kín
Trong bài viết có sử dụng tư liệu trích trong bản dịch “Thánh nhân vô phụ, tộc ngoại hôn” của Huỳnh Chương Hưng. Xin cám ơn tác giả.
(Truyền Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét