Giadinh.net - Không thuộc dạng “đỉnh nhất” nhưng nhắc đến tốp những cây cảnh đẹp và đắt nhất Việt Nam, không một tay chơi cây cảnh nào ở Hà Nội dám bỏ qua cây sanh trên 100 năm tuổi của ông Nguyễn Gia Hiền, (Triều Khúc, Hà Nội).
Đã có người trả đến 10 tỷ đồng nhưng ông không bán. Cây sanh đã trải qua 4 đời người được gia chủ chăm sóc như một con người, nhà có tang cây cũng được quệt vôi chịu tang. Vì vậy khi chuyển bán cho ai không hẳn chỉ là tiền nong mà phải có “duyên” mới “gả bán”.
Ông Nguyễn Gia Hiền bên cây sanh có tuổi thọ 4 đời của mình.
Trong Festival cây cảnh nghệ thuật tổ chức ở TP Hồ Chí Minh năm 2006, đây là cây cảnh duy nhất đạt giải Vàng. Và cũng trong Festival này, một đại gia khét tiếng ở Sài Thành dám bỏ ra 400.000 USD (gần 6 tỷ Việt Nam đồng) để mua cây sanh này cùng với cây đa búp đỏ đạt giải Đồng của ông Vũ Văn Châu (cũng ở Triều Khúc, Hà Nội) nhưng cả hai ông đều không bán. Những “kỷ lục” hiếm thấy này đã khiến tôi phải tò mò tìm về tận nơi để được “tận mục sở thị”.
Cây có tuổi thọ 4 đời người
Trước khi quyết định đi đến nhà ông Nguyễn Gia Hiền để tìm hiểu về cây sanh có nhiều “kỷ lục” này, tôi được một số bậc đàn anh ghé tai mách nhỏ: “Chú nên đến gặp ông Nguyễn Huy Hiền – Chủ tịch câu lạc bộ cây cảnh làng Triều Khúc và nhờ ông ấy dẫn đi. Ông Nguyễn Gia Hiền không phải là người khó tính nhưng lại là người rất thận trọng, từng từ chối rất nhiều phóng viên của một số tờ báo đến tìm hiểu viết bài...”. Theo đúng lời dặn tôi tìm về nhà ông Huy Hiền và thật may được ông giúp đỡ rất nhiệt tình.
Sau tiếng gọi cửa, đón chúng tôi là một người đàn ông mắt đeo kính, trạc tầm 50 tuổi, dáng người mực thước, mặc áo ba lỗ trắng, quần đùi, trên tay đang cầm ô doa tưới cây ra đón. Ông Huy Hiền giới thiệu với tôi đây chính là ông Gia Hiền – chủ nhân của cây sanh quý mà tôi đang muốn gặp. Sau màn chào hỏi làm quen, khi liếc qua hàng chục chậu cây cảnh đang được xếp ngay ngắn trước sân nhà, tôi đã không khỏi bị “mê hoặc”. Thú thực, dù là một kẻ ngoại đạo hết sức “khù khờ” về cây cảnh nhưng khi nhìn những chậu cây cảnh ở đây tôi đã không thể rời nổi mắt khỏi chúng. Thấy vậy, ông Huy Hiền gợi ý đứng luôn ở ngoài sân để nói chuyện cho tiện bề quan sát.
Dẫn tôi lại ngay một cây sanh được đặt trang trọng ngay chính giữa trung tâm của sân nhà, trong một chiếc bể rộng, chứa đầy nước, ông Gia Hiền giới thiệu: “Đây chính là cây cảnh mà cậu đang muốn được tận mục sở thị. Nó là bảo vật gia truyền 4 đời của dòng họ Nguyễn chúng tôi và cũng là cây chủ của khu vườn có hơn 50 chậu cây cảnh này...”.
Cây được trồng trên một tảng đá cổ, rễ quặp sâu vào tảng đá. Toàn bộ cây được đặt trong một bể chứa bằng xi măng hình chữ nhật có chứa nước sạch.
Ông Gia Hiền kể, Triều Khúc là một làng có truyền thống chơi cây cảnh lâu đời. Nhà nào cũng chơi và chơi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, riêng với người Triều Khúc, dù trong nhà có hàng trăm, hàng nghìn chậu cảnh thì bao giờ cũng phải có một cây làm cây chủ. Cây chủ thể hiện phong cách của người chơi, thể hiện gia phong, nề nếp theo triết lý Nho giáo của gia đình.
Cây chủ thường phải được đặt ở vị trí trung tâm và trang trọng nhất của khu vườn. Đó cũng là lý do ông chọn cây sanh quý này làm cây chủ của vườn cảnh nhà ông.
Về nguồn gốc của cây sanh quý hiếm này, ông Gia Hiền cho biết: “Lúc sinh thời ông cụ thân sinh ra tôi có kể lại rằng đây là cây sanh do một người bạn thân tặng cho ông nội tôi. Ông nội tôi mất đi để lại cho bố tôi. Đến năm bố tôi 80 tuổi, tức là cách nay 20 năm, vì đã quá già yếu nên tôi xin phép cụ được chăm sóc cây và lúc đó tôi mới được chính thức sở hữu cây sanh này. Ông cụ tôi nếu còn thì nay vừa tròn 100 tuổi mà cây này lại có từ đời ông nội tôi, vậy tính sơ sơ tuổi đời của cây cũng 100 tuổi có lẻ, còn tính theo đời thì đến đời con trai tôi hiện nay là cây đã qua 4 đời chính chủ...”.
Chăm cây như nuôi con
Mời chúng tôi lên ngồi trước thềm nhà nơi có chiếc chiếu hoa đã trải sẵn và ấm trà vừa mới pha, ông Gia Hiền kể tiếp câu chuyện về cây sanh quý.
“Lúc được ông cụ giao cho quyền sở hữu cây sanh quý này tôi mới 30 tuổi. Tôi phải nói ngon nói ngọt với cụ bao nhiêu lần để xin cụ cải tạo lại thế cũ của cây, cụ mới chịu đồng ý, bởi đó là thế cổ mà ông nội và bố tôi phải mất bao nhiêu thời gian, công sức mới tạo được. Khi thấy tôi cắt trụi hết cành, lá của cây thì người trong nhà ai cũng kêu, bảo tôi là phá hoại cây gia bảo. Phải mất 15 năm sau tôi mới được minh oan khi cây đoạt giải Vàng toàn quốc trong Festival sinh vật cảnh 2006 tại TPHồ Chí Minh...”.
Cây sanh này có thế Phu thê (thế chồng vợ) – thế cây này thể hiện cho một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
Theo nhận định của giới chơi cây cảnh nghệ thuật Hà Nội thì cây sanh của ông Gia Hiền có thế Phu thê (thế chồng vợ) – thế cây này thể hiện cho một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, đây là một thế cây rất khó tạo dáng. Cây có tới hai thân, hai ngọn nhưng phân chia rõ ràng thân lớn, thân bé, tán trên tán dưới thể hiện cho một cặp vợ chồng. Thân lớn tượng trưng cho người chồng, là trụ cột chính trong gia đình nên nó phải mang dáng dấp mạnh mẽ, to lớn. Còn thân bé tượng trưng cho vợ, là nữ nên uốn lượn mềm mại và thấp hơn tán chồng. Xung quanh hai thân này mọc ra 9 cành tương ứng với 9 tán nhỏ khác nhau nhưng không có tán nào đè chồng lên nhau. 9 tán nhỏ theo quan niệm của người chơi là biểu trưng của 9 người con. Cây được trồng trên một tảng đá cổ, rễ quặp sâu vào tảng đá. Toàn bộ cây được đặt trong một bể chứa bằng xi măng hình chữ nhật có chứa nước sạch. Nước ở đây được thay thường xuyên, vì như thế cây mới giữ được thế, không phát triển quá nhanh.
Theo ông Gia Hiền, khó nhất trong việc tạo nên thế mới của cây sanh quý là tạo dáng mới nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn cốt của cây. Tuyệt đối cấm kỵ không được để lộ những nhát cắt do con người tác động. Dáng dấp đấy là do con người tạo nên nhưng nhìn vào người ta vẫn nghĩ là nó phát triển tự nhiên, đó là một điều khó trong chơi cây cảnh nghệ thuật mà không phải ai cũng làm được. Cây quý ở chỗ là nó mang dáng dấp cổ kính và có biểu hiện của năm tháng cũng như thể hiện được cốt cách của con người.
“Tại sao năm 2006, người ta mua cây này với giá gần 3 tỷ đồng mà ông không bán?” – tôi hỏi. Ông Gia Hiền nhấp một ngụm trà rồi ôn tồn giải thích: “Không phải là chúng tôi chê tiền đâu. Thời điểm đó, 3 tỷ đồng là một số tiền không nhỏ. Nhưng các anh có chơi cây cảnh mới biết. Chúng tôi xem cây như bạn, ngày đêm quấn quýt bên cây và lấy cây làm lẽ sống. Nhà có tang thì cây cũng chịu tang. Tôi không biết ở những nơi khác thế nào, còn ở Triều Khúc, nhà có tang thường phải dùng vôi quệt vào mỗi thân cây như để cây cùng chịu tang cùng chủ nếu không cây sẽ chết. Bất kỳ cây nào quên quệt vôi là y như rằng hôm sau cây sẽ chết. Bởi thế chúng tôi không muốn vì tiền mà bất chấp mọi thứ để giao cho một người không biết gì về cây cảnh, như thế có tội lắm...”. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi về mức giá được trả gần đây thì ông Hiền không nói.
Chỉ đến khi tìm hiểu từ một “tay chơi” cây cảnh khá có tiếng ở Hà Nội, là bạn thân của ông Gia Hiền thì mới biết, từ năm 2006 trở lại nay, sau khi nghe tiếng đã có rất nhiều đại gia đến chiêm ngưỡng và trả giá lên tới 6 tỷ, 8 tỷ, thậm chí mới đây có người trả lên đến gần 10 tỷ đồng nhưng ông Hiền vẫn không chịu bán. Lý do duy nhất được ông Hiền chia sẻ với bạn: vì đây là vật gia bảo nên không thể tùy tiện trao gả, gặp duyên dù giá rẻ hơn ông vẫn vui lòng nhượng lại.
(Hà Tùng Long)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét