Đất nước của tôn giáo, của niềm tin hay những ảo tưởng về sự ngự trị của thánh thần, sự giác ngộ và minh triết… bất cứ mọi nhận định về xứ sở Ấn Độ rộng lớn này đều là sự cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng, vì sau cùng nhận định ấy vẫn không bao giờ là duy nhất đúng! Với tâm lý có phần dè dặt ấy, chúng tôi đến chiêm bái thánh địa Sanchi thuộc vùng Janpada Panchayat, bang Madhya Pradesh. Thánh địa Sanchi Từ nhà ga Nizamuddin, chúng tôi đón chuyến tàu hỏa đi mất chừng 12 tiếng đồng hồ để đến ga Bhopal, bang Madhya Pradesh thuộc miền Trung Ấn Độ, nơi có thánh địa Sanchi, nơi cất giữ những kỳ quan của nghệ thuật Phật giáo cách đây hơn 2000 năm với lòng thành kính pha lẫn bồi hồi trước chiều sâu của quá khứ. Một lần nữa chúng tôi bắt gặp một tuyệt tác về nghệ thuật kiến trúc, ngôi thánh tích thiêng liêng đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Quần thể Sanchi bao gồm tòa đại bảo tháp, phế tích của các cây cột do vua Ashoka xây, các nền tu viện và những tháp nhỏ xung quanh. Thánh địa Sanchi là nơi hội tụ một nền văn hóa, học thuật từ thời xa xưa của Phật giáo. Thế nhưng, Sanchi chỉ được biết đến rộng rãi vào năm 1818, sau một quá trình bị lãng quên chừng khoảng 600 năm. Trước kia, nơi đây chỉ là một bãi cỏ hoang dã. Thánh địa được phát hiện nhờ vào công sức của các nhà khảo cổ sau ngày đất nước Ấn Độ giành lại độc lập. Nhà khảo cổ Alexander Cunningham, người đi tiên phong trong công việc khảo sát về khảo cổ học của Ấn Độ, đã có mô tả rất chi tiết về di tích Sanchi trong báo cáo của mình. Các nhà khảo cổ nổi tiếng như Johnson, Cunningham, đội trưởng Maissey và ông John Marshal cũng đã thực hiện công việc khai quật và bảo tồn thánh địa từ năm 1822 đến năm 1919. Ông John Marshal đã thành lập một bảo tàng khảo cổ nằm tại chân đồi Sanchi gần lối đi chính. Ông cũng đã tiến hành phân loại những di tích và sắp xếp nó trình tự qua từng thời kỳ. Ngày nay, khi chúng tôi đến chiêm bái thì Sanchi được bảo tồn khá nguyên vẹn. Di tích trên thánh địa Sanchi Phù điêu khắc tượng Phật xung quanh bốn hướng của Đại tháp Cầu thang dẫn lên đỉnh Đại tháp Sanchi Nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc ở ngôi đền Sanchi đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Truyền thuyết kể rằng, sở dĩ vua Ashoka chọn Sanchi làm nơi xây dựng bảo tháp là vì cách nơi đây vài dặm ông đã gặp và cưới người vợ thứ hai yêu dấu của mình và hạ sinh cho ông một người con về sau xuất gia và trở thành một nhà truyền bá Phật giáo ở đất nước này. Theo tài liệu của các nhà khảo cổ học, Đại bảo tháp Sanchi bắt đầu xây dựng từ Vương triều của Đại đế Ashoka thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Lịch sử rõ ràng của Sanchi bắt đầu từ vua Ashoka (A Dục) năm thứ 10 sau khi lên ngôi, kéo dài suốt 37 năm (từ năm 274 – 237 trước Công nguyên). Trị vì một đế quốc hùng mạnh, Ashoka là vị vua hết lòng hộ trì Phật pháp nên cho xây dựng rất nhiều bảo tháp, trụ đá và tu viện rộng khắp trên đất nước Ấn Độ. Sau khi vua Ashoka qua đời, đế chế to lớn của ông dần dần bị tan rã. Triều đại Sunga lên nắm quyền hành, với sự xuất hiện của họ, Phật giáo bắt đầu suy yếu. Vua Pushvamira Sung lên ngôi, ông cho phục hồi lại các lễ nghi của Bà la môn mà trước đây Ashoka đã ngăm cấm, Phật giáo bắt đầu suy yếu. Đền chùa, tháp miếu rơi vào cảnh hoang phế. Tiếp tục kế ngôi vua cha, Agnimitra trông nom một vương quốc phía Tây lấy Vidisha làm thủ phủ. Thật may mắn, vương triều này không cuồng tín tôn giáo để phá hủy các chùa tháp Phật giáo, ông đã đóng góp một phần rất lớn trong việc duy trì dài lâu của thánh địa Sanchi. Vua Agnimitra đã cho xây dựng một bảo tháp lớn bằng đá bao quanh tháp chính bằng gạch được xây dựng bởi vua Ashoka. Xung quanh vẫn còn sót lại vữa vôi và các lớp phủ thạch cao, dường như nó cũng được thực hiện trong giai đoạn này. Một trụ đá (trụ đá số 25) được ghi một sắc lệnh của vua Agnimitra cũng được tìm thấy. Có một lan can bằng đá lớn chạy quanh bảo tháp 1, từng mảnh đá nhỏ từ các tín đồ Phật tử mộ đạo cũng đã được gắn vào trong cấu trúc của bảo tháp. Và tên của họ cũng được khắc trên phiến đá bằng ký tự Brahmi, tất cả đều diễn ra trong giai đoạn của vương triều Agnimitra. Hạt nhân của thánh địa Sanchi là Đại bảo tháp nằm ở khu vực trung tâm, là nơi thiêng liêng nhất ở quần thể Sanchi. Đại bảo tháp có cấu trúc hình cầu có đường kính 37m cao 16,5m, xây dựng theo kiểu mẫu vũ trụ quan Phật giáo. Xuyên qua tâm vòng tròn là một cột trụ vươn lên qua đỉnh vòm, tượng trưng cho cột đỡ vũ trụ. Nhiều người cho rằng, tháp lớn Sanchi được xây dựng trên phần tro hỏa táng của Đức Phật, vì các tháp nhỏ hơn (tháp 2 và 3) thờ xá lợi của các vị Thánh đệ tử như tôn giả Mục Kiền Liên và người con của vua Ashoka. Nét đặc thù của bảo tháp là bốn cổng đá cao khoảng 10m được chạm khắc cực kỳ mỹ lệ nhìn ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cũng là bốn hướng mà Phật pháp được truyền đi khắp cõi nhân gian. Trên các trụ cột và ba cây đà bắt ngang thể hiện những tác phẩm điêu khắc kỳ công miêu tả cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và những câu chuyện tiền thân của Ngài được ghi chép trong kinh Bổn Sanh. Kiến trúc độc đáo của ba đà ngang, hình khối độc nhất vô nhị đã trở thành dấu ấn riêng của đền thờ Sanchi. Các con số 3, 4, 7… được xem là những con số thiêng liêng lưu niệm những ý niệm thanh cao của Phật giáo được lồng ghép một cách có dụng ý trong toàn bộ tòa kiến trúc này. Hình cội bồ đề, bánh xe chuyển pháp luân, ngai vàng bỏ trống, các dấu chân… tượng trưng cho sự hiện thân của đức Phật trong bảy kiếp của Ngài được lập lại theo những mô típ chính mang phong cách đặc thù của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ. Ngay phía sau cánh cổng là bốn bề tượng Phật trong tư thế thiền định biểu trưng bốn hướng của vũ trụ. Ở cánh cổng phía Tây có cầu thang dẫn lên hành lang. Khách hành hương thường đi bộ quanh tháp theo chiều kim đồng hồ với niềm tin sẽ gia tăng phước đức, tăng trưởng tín tâm. Về mặt thần học, điều này có ý nghĩ sâu xa với sự hội nhập của thân xác vào không gian bao la của vũ trụ. Trên đỉnh bảo tháp và cũng là phần cao nhất của lòng tôn kính là cấu trúc ba tầng tượng trưng cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) như một cây thiêng nối kết cõi trời và cõi nhân gian. Sử sách lưu truyền rằng ngay phía dưới cấu trúc Tam bảo này là nơi tọa lạc của chiếc hòm đựng xá lợi Phật, biểu trưng cho hạt giống của đạo pháp. Theo đức tin của Phật tử, xá lợi này sẽ mất đi khi đạo hạnh ở nơi đó bị mai một và sẽ sinh sôi nảy nở khi nơi nào tâm bồ đề sinh sôi và giới luật nghiêm cẩn. ———————————— Đứng bên thánh tích Sanchi của buổi chiều tà sau hơn 2000 năm, chúng tôi như nghe thấy quá khứ thì thầm bên tai, như mách bảo những người đi lần theo dấu vết xưa để tìm lại thời vàng son của Phật giáo về những điều khôn ngoan và minh triết. ———————————— Ngày nay, thánh địa Sanchi – một vùng đất yên bình – đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều khách hành hương từ các nước đến chiêm bái và tìm hiểu. Hàng năm vào giữa kỳ mùa Đông, bảo tháp sẽ được mở cửa để dành cho du khách tận mắt chiêm bái, đảnh lễ xá lợi của các vị Thánh đệ tử. Nếu thuận duyên, chúng ta nên đến Sanchi vào những dịp này để tận hưởng hết trọn những giá trị tâm linh cũng như thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình và kiến trúc đền đài tráng lệ của quần thể di tích này. Đứng bên thánh tích Sanchi của buổi chiều tà sau hơn 2000 năm, chúng tôi như nghe thấy quá khứ thì thầm bên tai, mách bảo chúng tôi – những người đi lần theo dấu vết xưa để tìm lại thời vàng son của Phật giáo – về những điều khôn ngoan và minh triết. Rời Sanchi mà trong tôi vẫn còn cảm giác trìu mến lạ lùng, như thể rời xa một giấc mơ mà không biết giấc mơ ấy có trở về lần nữa hay không. (Theo langadida)
(http://khemarama.com/thanh-d%E1%BB%8Ba-ph%E1%BA%ADt-giao-sanchi/)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét