HINH
Khoa Thần kinh học và Phật giáo chồng chéo lên nhau, vì thế những công trình nghiên cứu hợp tác có thể mang lại lợi ích cho cả hai. Đó là lời phát biểu của các diễn giả tại hội nghị hàng năm lần thứ 12 của Viện Tâm thức và Đời sống (Mind and Life Institute). Những người tổ chức Hội nghị cũng cho rằng Phật giáo và khoa học là hai truyền thống mạnh mẽ nhất trên thế giới có khả năng khám phá thực tại ngoại cảnh và tâm thức con người.
Trong khi khoa học quan sát tâm thức từ bên ngoài thì Phật giáo sử dụng cái tâm con người – được thanh lọc qua quá trình tu tập thiền định như là công cụ chính yếu để thăm dò nghiên cứu bản chất của chính tâm thức.
Khả năng chuyển biến mềm dẻo của hệ thần kinh là đề tài của Hội nghị này. Hội nghị đề cập đến những sự thay đổi về cấu trúc và chức năng trong não bộ gây ra do sự tập luyện và kinh nghiệm. “Đề tài này là một nghiên cứu nhằm đóng góp cho mục đích lớn hơn của chúng tôi là nâng cao hiểu biết mang tính khoa học về cách tạo ra và duy trì một tâm thức lành mạnh”. Đó là lời phát biểu của ông R. Adam Engle, chủ tọa hội nghị và cũng là người đồng sáng lập Viện tâm thức và đời sống.
Toàn bộ Hội nghị xoay quanh ý kiến cho rằng việc sản sinh tế bào thần kinh mới trong não bộ có thể do ảnh hưởng của kinh nghiệm. Phần trình bày tính chất mềm dẻo về cấu trúc của Fred H.Cage, giáo sư ngành Di truyền tại Viện Salk ở California cho thấy rõ não bộ có thể biến đổi một cách năng động chứ không giữ nguyên cố định trong suốt cuộc đời.
Khám phá cho thấy rằng những trải nghiệm trong đời sống hàng ngày như tình trạng “stress”, sự vận động, môi trường thăng tiến và những yếu tố khác, tất cả đều có ảnh hưởng đến việc sản sinh tế bào thần kinh mới và do đó đưa đến những thay đổi trong não bộ. Điều này, theo các diễn giả trong hội nghị (năm ngày) là bao hàm nhiều ý nghĩa sâu rộng. Đây là một nhận thức khoa học khá mới mẻ nhưng chẳng có gì mới lạ đối với Phật giáo, và kiến thức này là nội dung của cuộc đối thoại.
Ở cấp độ phân tử, khả năng biến chuyển mềm dẻo của hệ thần kinh được Michael J. Meany thảo luận trong phần trình bày về ảnh hưởng của cách cha mẹ săn sóc con cái khiến người ta có những phản ứng căng thẳng khác nhau. Meany là giáo sư y khoa tại Trung tâm Nghiên cứu của Bệnh viện Dauglas thuộc Đại học McGill ở Canada nói: “Việc chăm sóc của bố mẹ ảnh hưởng đến hoạt động của các gien não qua sự biến đổi môi trường hóa học trong tế bào; do đó, nó quy định ra những phản ứng “stress” của chúng ta và thiết lập nên một khuôn mẫu cho đời sống”.
Helen J. Neville, giám độc Trung tâm Thần kinh học về nhận thức thuộc Đại học Oregon, Eugene, bàn sâu hơn nữa vấn đề nuôi dạy ảnh hưởng đến tâm tính con cái với cái nhìn toàn diện về các khu chức năng được định vị trong não bộ. Bà chứng minh cho thấy các chức năng ngôn ngữ, cảm giác và tri giác bị biến đổi như thế nào qua kinh nghiệm.
Người ta chú ý đến sự việc Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần tỏ ra dí dỏm hài hước giữa Hội nghị. Khi Neville nhấn mạnh rằng khu não bên trái của trán đóng vai trò thiết yếu đối với ngôn ngữ và các cảm xúc tích cực, ngài Đạt Lai Lạt Ma nói một câu dí dỏm: “Tôi là một người thiên tả!” Neville nhanh lẹ đáp: “Vì thế đệ tử này mới có mặt ở đây!”. Câu đáp này làm cử tọa cười rộ cùng với tiếng cười rúc rích như con nít của Ngài.
Phần trình bày về tình trạng an ổn với tình cảm gắn bó của Philip R. Shaver, chủ nhiệm khoa Tâm lý ở Đại học California, Davis, cho thấy sự củng cố những tình cảm an ổn – ngay cả ở người lớn – làm gia tăng lòng khoan dung, đức từ bi và tính vị tha.
Vào ngày cuối hội nghị, Phật giáo và khoa học đã tích cực hợp tác, điều đó được thể hiện trong phần nghiên cứu của Richard J. Davidson. Trong phần này, hoạt động bộ não của những tu sĩ Phật giáo đã được nghiên cứu với những thiết bị phòng thí nghiệm – dùng máy ghi hình bằng điện từ do Davidson, giáo sư ở Trung tâm Nghiên cứu Vilas và William James, giáo sư Tâm lý và Tâm thần học ở Đại học Wisconsin-Madison tiến hành.
Mathieu Ricard, một tu sĩ Phật giáo và là nhà khoa học về di truyền đã phát biểu: “Chất lượng của các phần trình bày mang tính khoa học, tinh thần minh mẫn của những người tham gia, mức độ sâu sắc trong các câu hỏi của Đức Đạt Lai Lạt Ma và sự hợp tác đã hiển nhiên cho thấy (cuộc thí nghiệm) ấy vượt lên trên một bài giảng dạy khoa học. Ông nói tiếp: “Đức Đạt Lai Lạt Ma mở ra những viễn tượng mới mẻ cho các nhà khoa học, đưa ra những khuôn thước đạo đức và đôi khi các nhận thức của ngài thúc đẩy họ xét lại vị trí của mình”.
Theo lời ông Engle thuộc Viện Tâm thức và đời sống, “Mọi người khi rời hội nghị đều có một sự hiểu biết sâu hơn một số nguyên tắc về khả năng chuyển biến mềm dẻo của hệ thần kinh và ít ra cũng mang theo một giả thuyết đáng tin cậy là một số hình thức thiền định có thể rất hữu ích”. Ông nói thêm: “Theo tôi nghĩ, người ta cũng tin chắc rằng lĩnh vực này cần được nghiên cứu”.
Tuy giữa các nhà khoa học và các nhà thần học có sự đối nghịch hoàn toàn trong cuộc sống hàng ngày nhưng với tính hài hước của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cung cách hòa nhã và sự hiện diện vô cùng sinh động của Ngài đã tạo bầu không khí hòa đồng trong năm ngày hội nghị.
Những tràng tiếng cười hể hả của ngài cất lên đều đặn làm tan biến nét ảm đạm của những phần trình bày nặng tính trí tuệ, giữ bầu không khí vui tươi và tạo điều kiện cho nhiều bộ óc mở rộng thêm khả năng nhận thức của họ vượt qua giới hạn bình thường.
Viện Tâm thức và đời sống đã tổ chức những buổi họp giữa các nhóm nhỏ nhà khoa học với Đức Đạt Lai Lạt Ma từ năm 1987. Hội nghị hàng năm kế tiếp tổ chức vào ngày 29-9 đến 2-10 tại thủ đô Washington, đề cập về ứng dụng thiền định trong khoa học và y học lâm sàng.
CHÂU VĂN THUẬN dịch
(theo Văn Hoá Phật Giáo)
(http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=890700883675144360#editor/target=post;postID=1888674204901639198)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét