(Đặng Công Hanh)
Luận điểm nổi bật hàng đầu của truyền thống triết học Duy Thức mang một nội dung uyên áo: “Nhất thiết duy tâm tạo” hay cách phát biểu tương tự “Tam giới duy tâm“, “chính tâm là tam giới“. Tất cả đều nói lên ý nghĩa là “Thế giới không gì khác hơn là tâm“. Sự xác quyết như vậy, hệ thống Duy Thức muốn nhấn mạnh rằng tất cả đều sinh từ tâm: sinh tử hay Niết – bàn, khổ đau hay hạnh phúc, chúng sinh hay Phật, Bồ tát.v.v. tất cả đều biểu hiện của tâm – ý – thức.
Ngài Bồ tát Thế Thân (Vasubandhu) có viết rằng: “Do giả lập nên nói có ngã và có pháp“, tức biểu hiện cả hai phần: chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức. Như vậy biểu hiện của thức là thế giới sơn hà đại địa, sum la vạn tượng mà con người nhận biết. Sự liên hệ chặt chẽ giữa con người và thế giới (chủ thể – khách thể) tựa hồ trạng thái khi ta nhìn các vì sao nhấp nháy trong sâu thẳm mênh mông của bầu trời đêm, ta đã mất hút trong nó và nó đang hiển thị phô trần trong ta. Trạng thái bất khả ly giữa chủ thể tri giác và khách thể đối tượng được tri giác gọi là Duy thức chứ hoàn toàn không phải chỉ có tâm thức mà không có thực tại khách quan.
Như một tiên đề toán học, Duy thức học xác định: Tất cả các pháp (sự vật hiện tượng) đều vô tự tính có nghĩa là nó hiện hữu do duyên hợp mà thành. Do đó khi nói về ngã (chủ thể nhận thức) và pháp (đối tượng nhận thức) chỉ là công ước giả định đối với tất cả hiện tượng sự vật trên cả hai phương diện tâm lý hay vật lý, tuỳ thuộc vào sự biến tấu của tâm thức nên có thể gọi thức – năng biến. Và thức – năng biến có thể nhìn dưới tác năng cụ thể thành 3 loại; đó là Dị thục, Tư lượng và Liễu biệt cảnh.
1/ Dị thục thức còn gọi là Tàng thức và nhất thiết chủng thức. Các danh từ này khác nhau nhằm giải minh tính năng của thức thứ 8.
+ Khái niệm “tàng” chỉ sự dung chứa hay năng lực cất giữ và duy trì các đối tượng của ý thức. Ý thức thực dụng là kho lưu trữ ký ức và kinh nghiệm của mỗi cá nhân, nói chung là tất cả các đối tượng của tâm – ý – thức như hình ảnh, ngôn ngữ, biến cố, khái niệm, ý niệm… Chẳng hạn, một kỷ niệm vui, buồn thời thơ ấu xa xưa ta vẫn còn nhớ được là nhờ vào năng lực của ký ức và ký ức là một trong các chức năng của tàng thức.
+ Nhất thiết chủng thức có ý nghĩa là dung chứa tất cả các hạt giống ý niệm không phân biệt chọn lựa thiện, ác, tốt xấu. Vậy nó có năng lực vô ký hay trung tính. Thông thường mọi hiện tượng diễn biến trong thế giới khách quan cũng như trong tâm thức luôn luôn được sinh khởi từ các hạt giống ý niệm ẩn sâu trong tâm thức và khi chúng ngủ yên ta gọi là “nhân” và sự hiện khởi của nó ta gọi là “quả”.
+ Khái niệm dị thục chỉ rõ sự chín mùi của nghiệp quả hay sự kết tinh “khí chất” của mỗi con người, hoặc nói đến năng lực diễn biến tương quan nhân quả của dòng tâm thức. Vì vậy tính chất tương tục của Tàng thức là luôn luôn trôi chảy như một dòng sông không có sóng vỗ và không bị lôi cuốn theo các giác quan.
2/ Tư lượng thức còn gọi là Mạt na thức, nó ở vị trí thứ 7 (thứ 8 là Tàng thức). Một tên khác là chuyển thức vì có chức năng lưu chuyển hai chiều; một mặt đưa các hạt giống ý niệm mới thu nhận (tân huân) vào Tàng thức; mặt khác tác động làm cho hạt giống ý niệm có sẵn trong Tàng thức trở thành hiện hành. Với chức năng là chuyển thức hai chiều với Tàng thức nên lấy Tàng thức là chỗ dựa để hoạt động nên xem đó là cái bản ngã vĩnh hằng của mình, vì vậy tính khí của Mạt na thức thường biểu hiện cùng với bốn phiền não.
+ Ngã kiến tức là quan niệm sai lầm về tự ngã.
+ Ngã si tức là si mê về tự ngã
+ Ngã mạn hay sự kiêu hãnh về tự ngã
+ Ngã ái hay sự yêu thích tự ngã, yêu cái tôi, cái của tôi.
Bốn dạng phiền não này có thể khái quát bằng khái niệm cơ bản cho Mạt na là “Tình”. Tình ở đâu là dục ái hay bản năng của dục vọng, vừa là nền tảng, vừa mang tính cách bao quát toàn bộ đời sống nhu cầu sinh lý. Do vậy, hình thái của Mạt na chính là sự vận hành của “tư duy hữu ngã” theo nguyên tắc của dục ái kích hoạt tâm lý con người đi tìm sự thoả mãn dục vọng, khoái lạc – một thứ hạnh phúc giả tạo đầy mộng mị phù vân và điên dại chốn trăm năm. Có thể thấy rằng cả hai thức gồm Tàng thức và Mạt na thức là trưng tính và thụ động, không tự giải thoát ra khỏi những chủng tử, những tập khí nhiễm bất tịnh, bất thiện.
3/ Khái niệm Liễu biệt cảnh tức là thức thứ 6 trong hệ thống tám thức, còn gọi là ý thức và năm thức giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Ý thức hoạt động với tư thế: một mặt quan hệ trực tiếp với Mạt na thức, mặt khác tiếp xúc với thế giới thực tại thông qua năm thức giác quan của mắt, mũi, lưỡi, tai và thân. Đây chính là hệ quả của nhận thức (tri giác), sự nhận thức đó gọi là ý thức. Trong hệ thống 8 thức, ý thức có tính năng động và tinh xảo nhất trong mọi tư duy thực hành, ý chí, tâm lý… Chức năng chính là tạo tác, tạo ra các loại nghiệp, từ các hạnh thiện, các mưu mô, tính toán xảo quyệt để làm điều ác bất thiện và cả hạnh không thiện, không ác. Vì vậy các luận sư Duy thức định danh là “Công vi thủ, tội vi khôi“.
Dòng tương tục của ý thức là vô thường, gián đoạn trong các trường hợp: ngủ mê không mộng mị, chết giả khi ngất xỉu hay bất tỉnh, trú trong cõi vô tưởng. Ý thức có phạm vi hoạt động rất rộng và bao quát hơn Tàng thức và
Mạt na, lại mang tính năng thẩm sát nhưng lại không có tính năng hằng hữu.
Ý thức khởi hiện trong các tình huống cơ bản như sau:
- Hiện khởi theo cùng 5 giác quan (tai, mắt, mũi, lưỡi và thân)
- Hoạt động độc lập một mình không quan hệ với các quan năng
- Hoạt động phóng tính ở trong định
- Hoạt động trong lúc thiền định
- Ý thức trong sự điên loạn.
Tóm lại, trong hệ thống tám thức có thể gọi chung là Tâm – ý – thức thì Tàng thức là căn bản thức, trên thực tế là tầng thức sâu xa nhất có tính chất tương tục trôi chảy không hề gián đoạn, có bản chất không bị ô nhiễm (vô phú), không bị điều động qua thiện, ác (vô ký). Đây là cái thấy – biết của Tâm trinh nguyên không nhuộm màu sắc của cảm xúc vui buồn, không khổ không lạc và do vậy nên là dòng nghiệp quả đang tuôn chảy từ vô tận quá khứ. Trái lại, Mạt na thức còn gọi là “Tình thức”, vai trò nền tảng cho sự nhiễm, tịnh vì đối tượng nhận thức của nó là ảo ảnh mà ngỡ là thật, và sự si mê này là bản tính tự nhiên chứ không do ý niệm thiện ác chi phối (vô ký, hưởng phú). Nó trở nên thanh tịnh khi kết duyên với thiền định hay chánh niệm và cũng trở thành phiền não nếu kết duyên với tam độc tham lam, si mê, sân hận.
Cuộc cách mạng thực sự của Tâm chính là ý thức. Đối tượng bao quát của nó gồm thực tại (tánh cảnh), bóng dáng của thực tại (đới chất cảnh) và ảnh tương ẩn dấu trong nội tâm (độc ảnh cảnh). Bản tính của nó gồm có cả thiện, ác và vô ký. Nó có cả trực giác và suy luận (đúng hoặc sai).
* *
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng và rực rỡ của khoa học vật lý, các nhà bác học tin rằng chúng ta phải vượt qua giới hạn của 5 giác quan tới mức độ lượng tử mới có thể hiểu được trí não và ý thức. Họ khẳng định rằng ngoài các “quá trình phân tử và tế bào vật chất Newton diễn ra trong não bộ và trong cơ thể, còn có sóng dao động, và hoạt động hạ nguyên tử chỉ có thể giải thích bằng vật lý lượng tử”.
Xin nhắc lại: Lượng tử hay hạt có hai loại phẩm tính là tĩnh và động. Tĩnh có đặc trưng quan trọng là khối, điện tích, số spin. Biểu trưng của động của hạt như là vị trí, xung lượng và chiều của spin. Lượng tử vật chất hay lượng tử ánh sáng đều có hai hành tướng hạt và sóng, hành tướng nào phát hiện là tuỳ vào trạng huống trong đó thí nghiệm được thực hiện. Nói theo ngôn ngữ Phật học thì lượng tử là một pháp hữu vi siêu việt và hàm dung hai hành tướng sóng – hạt tương đãi đối nghịch. Và thông tin lượng tử được mô tả là truyền tải các tài nguyên lượng tử mà đơn vị lượng tử là “bit lượng tử”, quantum bit hay vắn tắc là qubit. Đơn vị thông tin lượng tử được miêu tả bởi trạng thái lượng tử của hệ thống lượng tử 2 thứ nguyên. Hai trạng thái lượng tử của qubit gọi là trạng thái cơ bản tương ứng với 2 trạng thái 0 và 1 kí hiệu ½0> và ½1>. Tuy thế hạt nào có R trạng thái lượng tử khác nhau thì tất yếu có vô số trạng thái chồng chập.
Các nghiên cứu hiện đại về trí tuệ – não bộ đã có thể kết luận rằng: “Não bộ là trạng thái đầu tiên, các phần hạ nguyên tử chờ đợi để phát huy tiềm năng bên trong và bên ngoài thể vật chất. Trí não có tiềm năng về năng lượng dao động, cũng trông chờ những kích hoạt từ tư duy, tiếp nhận một thế lực cao hơn để tổng hợp chúng lại thành ý nghĩa, phương hướng và của các sự việc tự nhiên. Quan điểm mới về sự khám phá trí tuệ và nhận thức theo phương pháp lượng tử cho thấy được tính hạn chế do vùng chức năng của “chùm nơ – ron” và giúp cho con người hiểu hơn về trí não, đồng thời các quá trình tư duy.
Cuộc cách mạng về công nghệ đã hỗ trợ những cuộc khảo sát sâu và tỉ mỉ thông qua hoạt động của các electron trên não bộ: chẳng hạn máy (EEG) thông thường hay máy ghi điện não. Phương pháp chụp X quang (PET) cho chúng ta nhìn thấy những vùng trên não có liên quan đến một quá trình tương ứng như vùng não có chức năng suy nghĩ từ ngữ hiển thị màu đỏ, lúc hiển thị màu vàng khi hoạt động của não ít căng thẳng và chủ thể nói ra từ ngữ đó. Phương pháp chụp X quang (PET) và phương pháp hình ảnh cộng hưởng từ (fMRI) dựa trên sự tác dụng liên kết chặt chữ giữa hoạt động thần kinh, sự tiêu thụ năng lượng và dòng máu cục bộ.
Sự phát triển của khoa học vật lý và công nghệ phát biểu với nhân loại rằng: bản chất của thế giới vật chất không phải là vật chất. Những chất liệu cần thiết của vũ trụ lại là phi chất liệu. Vật lý lượng tử nói rằng; “Nguyên tử, đơn vị cơ bản vật chất không phải là thực thể cứng chắc, mà là một hệ thống phân tầng, các trạng thái thông tin và năng lượng trong một khoảng không. Cơ thể con người (sắc thân) được tạo ra từ các nguyên tử, các nguyên tử đến lượt nó được tạo ra từ các hoạt động của hạt hạ nguyên tử chuyển động với vận tốc rất lớn trong khoảng không đó. Các hạt hạ nguyên tử không phải là vật chất, các hạt này chúng là các dao động của năng lượng và thông tin trong một khoảng không. Dưới một ý nghĩa nào đó, cơ thể con người được nhìn nhận từ vật lý không gian thì nó tựa như không gian giữa các thiên hà: cỡ 99,999% cơ thể chúng ta là khoảng trống rỗng: còn 0,01% có vẽ gọi là chất liệu vật chất có dáng vững chắc. Rõ ràng với tỷ lệ chênh lệch đó, cơ thể con người (sắc thân) thực sự chẳng làm bằng gì cả.
Chúng ta tự vấn, cái gì là bản tính của hư không mà mọi thứ đến từ đó? Ý thức (tư duy) rốt cuộc có phải là sự dao động của năng lượng và thông tin? Quan niệm mới của khoa học vật lý thì bản thân vũ trụ là thông tin và năng lượng, thế nên ý thức (tư duy) của con người cũng chỉ là tập trung và định xứ năng lượng và thông tin trong một vũ trụ sống động đầy thông tin và năng lượng. Vì vậy các suy tư chẳng qua chỉ là các sự việc lượng tử tự biến hình đổi thành các sự kiện không – thời gian.
Thông tin lượng tử được xem như thông tin hình thành cơ sở nhận thức (các nhà khoa học có khuynh hướng xem ý thức là sự nhận thức) chuyển thành các tính chất ở cấp độ phân tử…. Mỗi sự trải nghiệm là một sự kiện không – thời gian nên cơ thể con người là một dòng sự kiện không – thời gian. Cơ thể có quá trình khởi đầu và kết thúc, khởi đầu từ hạt thông tin trên ADN, sau đó được tăng trưởng thành một cấu trúc 3 chiều trong không – thời gian và tất cả những trải nghiệm đều là các sự kiện không – thời gian. Thông tin được truyền từ môi trường với hỗn độn lượng tử trong vũ trụ, được biến đổi và được mã hoá theo một cách nào đó trong não bộ và trong toàn cơ thể, sau đó được lưu trữ và sử dụng.
Cấu trúc xử lý của não bộ gồm các dao động điện, ở góc độ nào đó có thể gọi là một chương trình phát thanh hay truyền hình. Chương trình này mã hoá các thông tin bằng cách cuốn lấy không – thời gian thành những sự điều biến thành các tần số các loại sóng (bộ phận tiếp nhận trên đài hay trên ti vi cũng được giải mã theo kiểu cách này). Tương tự như vậy, mạch điện trên bề mặt của não mở ra, giải mã, các quá trình phân phối của mạng lưới liên lạc thành các khu vực kinh nghiệm không – thời gian thông thường.
Cơ thể con người không phải là một kết cấu có tổ chức cố định trong không – thời gian. Nó giống như một dòng sông đang chảy đầy ắp năng lượng, thông tin, kể cả sự thông minh. Thông qua hoạt động sinh lý, trong quá trình đó ta đã làm mới cơ thể. Các nghiên cứu y học cho biết, trong một hành vi hít thở ta đã dựa vào cơ thể từ 10 đến 20 nguyên tử từ vũ trụ và cũng đưa ra ngoài cũng chừng ấy nguyên tử từ nội tạng, và như vậy có hàng vô lượng nguyên tử đã luân chuyển qua các cơ thể của bất kỳ một sinh vật nào sống trên hành tinh này từ quá khứ xa xăm. Cơ thể vật lý là các nguyên tố được tái sinh như đất nước, không khí đều có ý nghĩa trong các hình thức lượng tử, thể khí, thể lỏng và thể rắn. Nó đến rồi đi chỉ trong nháy mắt.
Quả thật, trí não có khía cạnh cơ học, nó thực có một hệ thống năng lượng phát toả, chịu ảnh hưởng và chịu điều khiển bởi các nơ – ron và là một hệ thống chủ đạo của những tương tác hoá học. Điều kỳ diệu hơn cả là khi các nhà khoa học khảo sát các lớp của não bộ, họ gặp một hiện tượng rất lý thú gọi là kẻ “quan sát giấu mặt“. Về sau tại phòng thí nghiệm của Đại học Stanford, các nhà tâm lý học Ernest và Josephine Hilgard đã tiến hành nghiên cứu trên đối tượng người bị thôi miên và nói rằng “kẻ quan sát giấu mặt” dường như có “ý thức“?
Một nhà khoa học khác cũng vừa là nhà phẫu thuật thần kinh nổi tiếng Wilder Penfield đã bị hấp dẫn bởi ý tưởng này và khởi đầu một hành trình tìm kiếm “kẻ quan sát mật“. Khi làm phẫu thuật cho các bệnh nhân bằng cách gây tê cục bộ và dùng một que thăm điện để kích thích các phần khác nhau của vùng não cảm giác; kết quả là bệnh nhân này nhớ lại những hoài niệm xa xưa thông qua giác quan như ngửi thấy mùi hoa cúc, nếm được chiếc bánh kem, nhìn thấy bãi cỏ – nhưng khi Penfield hỏi: “Có phải cô đang đi dã ngoại không?” thì cô trả lời “tôi đang trong phòng phẫu thuật”.
Trong một lần khác, ông kích thích phần vỏ não vận động của một bệnh nhân và tay của bệnh nhân này nâng lên. Ông bất chợt hỏi; “Anh đang chuyển động cánh tay đúng không? Người đó lại trả lời “Tay tôi đang đưa tay“. Sau đó ông lại hướng dẫn: thay vì để tay giơ lên thế này, khi tôi kích thích vào não vận động thì hãy điều khiển tay di chuyển sang chỗ khác, bệnh nhân đã làm đúng y như thế. Vậy ai là người đã đưa ra sự lựa chọn này, trong khi phần vỏ não vận động không thực hiện được điều đó.
Tỷ như trong một giây phút nào đó, ta có nhiều sự chọn lựa như đi phố, nghe nhạc, uống cà phê, đọc sách… và ta chọn việc uống cà phê, thì theo Penfield sẽ không tìm thấy “cái gì” ở trong vỏ não hay trong cơ thể mà nơi đó các tác động đến sự quyết định chọn lựa này. Nói cách khác, sẽ không có cái “ta” thực chất trong cơ thể.
Điều này đã được minh thị qua lời dạy từ 26 thế kỷ của Đức Phật: Con người chẳng có gì khác ngoài 5 uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức kết thành thân xác hiện hữu. Năm uẩn là hiện hữu của cả con người và thế giới, thậm chí những vấn đề của đau khổ và hạnh phúc cũng được xem là các biểu hiện của 5 uẩn. Do đó, Đức Phật dạy:
“Năm uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người
Cầm lấy gánh nặng lên
Chính cái khổ ở đời.
Đặt gánh nặng ấy xuống
Chính là lạc ở đời“.
Đức Phật sau khi giác ngộ đã tuyên bố rằng tất cả các pháp đều vô thường, vô ngã và không có thực thể. Thuyết vô ngã dạy rằng không tìm thấy gì bên trong hay bên ngoài các hiện tượng Duyên khởi. Vấn đề “ngã” và “vô ngã” là giáo pháp trung tâm của Phật học. Duyên khởi là tiền đề đi vào “Tánh Không” và dưới đôi mắt tuệ giác của Ngài mọi hiện hữu không thể được xem là có hay không, hiện hữu là hiện hữu của Duyên sinh.
Quan niệm của Phật giáo về cả hai bình diện triết học và tôn giáo được đặt trên nền tảng của thuyết Vô ngã và thuyết Duyên khởi. Vì vậy thế giới hiện tượng và đời sống con người chỉ là hiện hữu tương đối không bền vững y cứ trên sự hiện diện của hai yếu tố vật chất và tinh thần đều không có thực thể độc lập tự thân và trống rỗng, nghĩa là Vô ngã.
Trong Trung bộ Kinh Nikàza, Đức Phật dạy: “Tuỳ thuộc vào dầu và tim đèn mà ngọn lửă bùng cháy. Nó không sinh ra từ trong cái này, cũng không phải từ trong cái khác và cũng không có một nguyên động lực trong chính nó. Hiện tượng giới cũng vậy, nó không có cải gì thường tại trong chính nó. Tất cả hiện hữu là không thực có, chúng là giả danh, chỉ có Niết Bàn là chân lý tuyệt đối” .
SÁCH THAM KHẢO
1/ Luận thành Duy thức – Huyền Trang – Tuệ Sĩ chú và dịch – NXB Phương Đông – 2009.
2/ Tâm lý học Phật giáo – Thích Tâm Thiện – NXB TP.Hồ Chí Minh – 2000.
3/ The Emerging mind – Karen Nesbi Shanor – Bản dịch của Văn Thị Hồng Viết – NXB Tri thức năm 2007
4/ Lược sử thời gian: Stephen Hawking – NXB trẻ 2007.
5/ Cái toàn thể và trật tự ẩn - David Bohm – NXB Tri thức 2011
6/ Bản ngã và não bộ – Poper.K.R và J.C. Zccles – NXB New York 1977
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét