Pháp giới Hoa Nghiêm
Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chơn lý Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng-sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng trong nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Ðó là bản tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư nghì vô ngại giải thoát làm thể.
Các kinh văn Phật học đều có nói đến con đường tu tập của Đức Thế Tôn qua nhiều giai đoạn khác nhau, kể từ khi Ngài còn là Thái tử đi dạo quanh bốn cửa thành và nhìn rõ sự khổ đau của sinh, lão, bệnh, tử cho đến khi Ngài trải qua 5 năm tìm thầy học đạo, 6 năm tu khổ hạnh. Về công hạnh thiền định (của ngoại đạo), Ngài đã thăng chứng ở những quả vị cao nhất. Tuy vậy, Ngài thấy rằng tất cả đều đưa đến trạng thái hư vô, sự khổ đau của sinh tử vẫn cứ trói chặt thân phận con người. Sau cùng, suốt 49 ngày tư duy thiền định ở cội Bồ đề, vào canh ba, lúc sao Mai vừa xuất hiện và ngay lúc đó Ngài chứng đắc giác ngộ giải thoát tối thượng. Chặng đường quan trọng nhất của Ngài là chặng đường tư duy thiền định, quan sát tường tận giáo lý duyên sinh. Quá trình này đã tạo nên một bước nhảy vào thế giới tâm linh, vĩ đại, siêu thế gian. Từ đây chúng ta được khai mở một thế giới quan vừa xuất hiện sau khi Đức Phật thành đạo đó là thế giới Hoa Nghiêm (Gandavyùha).
Thế giới Hoa Nghiêm là một thế giới huyền nhiệm, một thế giới toàn bích của tâm linh của chư Phật, chư Bồ Tát và đương nhiên của con người, một khi đã loại bỏ ngả chấp và đã đạt được siêu việt nhị nguyên (chủ - khách thể phân biệt). Tất cả sinh hoạt ở đây đều tỏa ánh sáng trùng trùng điệp điệp, không có cái được sinh ra, không có cái bị mất đi trong thế giới giao thoa tương tức tương nhập giữa các luồng ánh sáng năng động và rực rỡ.
Theo các luận sư Phật học, trọng tâm của Hoa Nghiêm là học thuyết về Tâm. Điều này biểu hiện trong toàn bộ hoạt cảnh và các nhân vật, tất cả đều có mục đích phô diễn, trần thuật tính chất kỳ vĩ diệu dụng của Tâm. Thiết chế trong Hoa Nghiêm là “Tam giới duy tâm” tức là trong 3 cõi và tất cả thế giới sự vật hiện tượng, từ vật nhỏ nhiệm (hạt hay nguyên tử) đến các hành tinh xa xôi đều do Tâm tạo tác, Tâm duyên sinh.
Để được minh thị, tránh những hiểu lầm, lẫn lộn ta có thể nhìn nhận Tâm dưới hai góc độ.
+ Về công năng của Tâm: Nổi bật nhất là công năng tạo tác, sáng tác, tác thành v.v… Tâm này sinh ra sum la vạn tượng, nó thu nhận phản ánh mọi hiện tượng sự vật, mọi trạng thái tâm lý, v.v… Hình ảnh biểu tượng của Tâm trong các kinh là người họa sư, ông ta vẽ ra ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức) và tất cả những hiện tượng của các thế giới.
+ Về tính năng: Bản chất của Tâm là trong sạch, gắn liền với các đặc trưng về tính thiện như luân lý, đạo đức, toàn bích, viên minh, nhưng do sự duyên khởi với trần tục mà gây nên các loại nghiệp (thiện, bất thiện). Nhưng cũng do bản tính trong sạch nên Tâm có năng lực chuyển hóa mọi cấu uế, ô nhiễm để trở về với thực tại vĩnh hằng.
Trên nền tảng của hai đặc trưng này, Hoa Nghiêm nhìn sự tồn tại bao hàm một năng lực hiện hữu, trong hiện hữu (dòng vận hành) lại hàm chứa sự sáng tạo mạnh mẽ biểu hiện trong ý nghĩa thế giới vô biên trong một niệm và ta hiểu được lý do tại sao Hoa Nghiêm chú trọng đến hạt nhân sinh khởi thế giới và giá trị vô lượng thế giới trên hạt vi trần. Cố nhiên Hoa Nghiêm là một thiết chế thuộc Duy Tâm luận nên cơ sở của nó không phải là không gian ba chiều và thời gian trôi theo chiều quá khứ, hiện tại đến tương lai. Những biểu hiện của Kinh cố nhiên nằm phía sau và trong chiều sâu của ngôn ngữ. Chẳng hạn nói đến vi trần là nói đến sự ẩn dụ về một đơn vị nhỏ nhất, siêu nhỏ nhưng vi trần được quy chiếu về công năng và tính năng tác thành nên vũ trụ và sự sáng tạo là vô biên.
Nói tóm lại, hạt vi trần được ghi nhận trong ý nghĩa biểu trưng mang tính quy chiếu. Đó là:
- Toàn bộ vũ trụ được sinh ra từ vi trần.
- Mỗi vi trần tiềm tàng toàn thể vũ trụ.
- Khả năng sáng tạo mỗi vi trần là mênh mông.
- Tất cả các vi trần tác hợp bằng tương duyên.
Bốn tính năng nói trên là nguồn gốc sinh thành thế giới hiện hữu.
Với ý nghĩa sâu lắng của tồn tại bao giờ cũng hàm chứa năng lực hiện hữu, trong đó ẩn tàng một năng lực sáng tạo biểu thị “thế giới vô biên trong một niệm” hoặc một hạt nhân qua luật tương duyên cấu tạo nên hằng sa thế giới. Đây là khái niệm phổ biến trong thế giới tâm lý hay vật lý, khi phóng xuất thì nó bao la, khi thu nạp thì nó như vi trần.
* * *
Cảm giác đầu tiên khi đọc Hoa Nghiêm ta choáng ngợp đến khó chịu vì đó là một thế giới vô cùng linh động và sự linh động này vượt ngoài tư duy của con người, cái tư duy hoạt động trong thế giới thường nghiệm giàu hư vọng. Trong thế giới Hoa Nghiêm, mỗi cái thấy, cái nghe, mỗi sự vật hiện tượng đều bừng sáng chiếu rọi nhiệm màu. Hòn đá lăn, chiếc lá rơi, dòng sông chảy, áng mây trôi, v.v… tất cả đều bừng sáng bởi thứ ánh sáng giao thoa, bởi rào dậu bằng phê lê ngọc ngà, đất đá bằng kim cương, v.v…, bởi những thứ mà con người luôn luôn bị ám ảnh. Vì vậy, khi đọc phải cần một sự giao cảm tâm linh, giao cảm với những gì nằm ở bề sâu và ở đằng sau của ngôn ngữ. Sự giao cảm này chỉ xuất sinh bởi khoa thiền định như: Chỉ (theo dõi hơi thở ra vào) và Quán (quan sát như thật về con người và thế giới). Thực nghiệm cho thấy trong Chỉ có Quán và trong Quán có Chỉ. Khi hiểu được tâm mình ta sẽ tìm được một điểm quy chiếu để có thể hiểu được Hoa Nghiêm theo 2 ý nghĩa:
· Tâm để quan sát thế giới.
· Tâm để biết vạn cảnh do tâm và theo 2 giá trị.
- Siêu việt mọi biên giới và dung thông cả chủ lẫn khách.
- Năng lực vốn hằng hữu và bất biến dù là hiện thực hay tiềm năng.
Theo thầy Pháp Tạng, muốn hiểu biết Hoa Nghiêm chúng ta cần phải quán thế này.
- Quán sát tường tận bản tính trong sáng của Chân Tâm, nơi duyên sinh ra mọi hiện hữu (sự vật hiện tượng có mặt trong cuộc đời dù tâm lý hay vật lý).
- Quán sát rằng Chân như (như thực vĩnh hằng) và mọi ảnh tượng luôn luôn tồn tại và phản chiếu trong nó.
- Quán sát tự tính của thế giới sai biệt là do tâm duyên sinh.
- Quán sát sự bí mật viên dung của Tâm và cảnh.
- Quán sát rằng chủ và khách thể cả hai cùng hiện hữu tồn tại trong mối tương duyên.
Như vậy thế giới Hoa Nghiêm là một thế giới siêu việt trần tục được Đức Phật xây dựng tại rừng Thệ Đa và thế giới đó tồn tại ngay trên trần gian này, biểu trưng cho một cõi sống tâm linh và trong cõi tâm linh ấy, trái tim đại từ, đại bi của đức Phật tự nó sinh khởi và khởi mở thành một cõi vô biên.
Đọc Hoa Nghiêm rất dễ nhầm lẫn hai khái niệm thế giới hay gọi là thế gian giới và pháp giới. Tuy nhiên hai khái niệm này lại hàm các nội dung rất khác biệt.
Thế giới chỉ cho sự tồn tại và hiện hữu các sự vật, hiện tượng. Mỗi sự vật, mỗi hiện tượng đều tồn tại ở mức độ khác nhau về hình dáng hay bản chất. Cái cây viết là cây viết, cái lọ mực là lọ mực. Cây viết hoàn toàn khác lọ mực. Con người và con gà là hoàn toàn khác. Các đặc trưng của công dụng và cấu trúc của thế giới sự vật và hiện tượng là rất khác biệt, mâu thuẫn, đối lập, vì vậy sự thẩm định nó cũng dựa vào nền tảng của phân biệt.
Pháp giới biểu thị cho ánh sáng mà bản thân nó không có tính đối lập, tính mâu thuẩn. Ánh sáng có thể dung hóa nhau, có thể xua tan bóng tối dù nó có màu sắc gì đi nữa. Một đặc tính quan trọng của ánh sáng là khả năng phản chiếu, tương dung, tương nhiếp lẫn nhau, và đây là một biểu thị rất đích thực và cơ bản của pháp giới. Ánh sáng có đặc tính nhẹ nhàng, linh hoạt, không có sức ỳ như gỗ, đá v.v...
Pháp giới không có sự phân biệt cái này khác cái nọ vì bản thân nó không lệ thuộc vào quá trình sinh thành hoại diệt như thế giới sự vật hiện tượng. Nó không được sinh thành và tồn tại theo quy ước của thời gian và theo những biên giới của không gian.
Pháp giới là một hiện hữu trong lòng thế giới và không cách ly thế giới, nó không phải là trống rổng và cũng không đồng nhất với hư vô.
Để hiển bày sự huyền diệu của Pháp giới cũng như sự kỳ diệu của các khái niệm tương dung, tương tức, tương nhập, một trong tất cả, tất cả trong một, v.v… ta kể lại thực nghiệm của Đại sư Pháp Tạng trình hiện cho Nữ hoàng Võ Tắc Thiên xem. Chuyện kể lại rằng: Trong một căn phòng kín, tường và sàn, trần nhà đều được lợp bằng các tấm kiến phẳng đối mặt vào nhau. Một tượng Phật đặt cạnh một cây đuốc đang cháy ở giữa phòng. Ồ, thật lạ lùng, tuyệt diệu, bà thốt lên khi chăm chú nhìn toàn cảnh do sự phản chiếu vô cùng tận. Thầy Pháp Tạng dẫn giải cho bà: Trong mỗi tấm gương và mọi tấm gương đều có sự phán chiếu của mọi tấm gương cùng với tượng của đức Phật trong chúng. Đó là tình huống trình hiện nguyên lý tương nhiếp, tương nhập và cũng ngay tại đây ta thấy rõ điển hình của “một trong tất cả” và “tất cả trong một”. Và cố gắng đếm thì không tài nào đếm nổi có bao nhiêu hình tượng Phật, điều này giúp ta hiểu được khái niệm trùng trùng vô tận.
Hoa Nghiêm quan niệm rằng mọi sự thể trong thế gian quy về 4 pháp giới, nói cách khác Pháp giới sở hữu 4 tính chất.
1. Sự pháp giới: là cảnh giới của những hiện tượng, sự vật phân biệt khác nhau và độc lập. Một dòng sông, chim bay cá lội, lửa nóng, nước đá lạnh, v.v…
2. Lý pháp giới: là cảnh giới gồm các nguyên lý trừu tượng nằm sâu bên dưới hiện tượng. Đây là cảnh giới siêu quá các nhận thức của giác quan, chỉ có trí năng hay trực giác mới có thể nắm bắt. Tất cả những nguyên lý hay các quy luật chi phối các biến cố trong thế giới hiện tượng đều thuộc phạm trù này. Các luận sư Hoa Nghiêm quan niệm chỉ có một “Lý tối tượng uyên nguyên” bằng các thuật ngữ: Như như, Như thị hoặc Nhất Tâm hay Tính Không.
Tổng quát hơn Lý được quan niệm như một nguyên lý đa phương có tính hàm dung và là nền tảng cho mọi hiện hữu tồn tại.
3. Lý sự vô ngại pháp giới: đây là cảnh giới mà Lý và Sự được xem là một thể bất khả phân, có thể hiểu rằng Sự là biểu hiện của Lý và Lý được xem là nhân hiển thị ra Sự. Trong trường hợp này Lý và Sự đi kèm nhau trở thành một khái niệm nhiều ý nghĩa. Một biến cố (Sự) nào đó vốn luôn luôn là một biểu hiện cua một nguyên lý ẩn khuất ở bên dưới (Lý) và ngược lại trong giáo lý Tính Không.
Trên bình diện “Tỉnh” thì chân lý tuyệt đối là Bản thể, nhưng trên trạng thái “Động” thì chân lý đó đồng nhất với cái thể hiện của nó qua hiện tượng tức là Sự. Hai trạng thái này không thể rời nhau và trở thành nguồn gốc cho tất cả hiện hữu tồn tại trong vũ trụ, chúng đều đồng thời phát sinh bởi luật nhân duyên, tương dung, tương nhiếp.
4. Sự sự vô ngại pháp giới: Ba pháp giới: Lý pháp giới, Sự pháp giới, Lý sự vô ngại pháp giới là những phương thức thích hợp để mô tả pháp giới Sự sự vô ngại. Đó là một pháp giới mà mỗi và mọi Sự riêng lẻ đều nhập vào và hợp nhất, chan hòa với tất cả mọi Sự khác một cách tự do.
Sự sự chỉ cho mỗi và mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ. Trong pháp giới có vô số sự vật hiện tượng, tuy có hình tượng khác nhau, bất đồng nhau nhưng Lý tính lại dung thông, bình đẳng, không phân chia ngăn cách và nhờ Lý mà Sự sự được dung thông vô ngại. Cùng một lúc, cái này dung nhập trong cái kia, cái kia lại chan hòa trong cái này, mỗi sự chan hòa trong mỗi sự từng cái một lẫn nhau. Chủ và Khách, Tâm và Vật đồng hóa với nhau.
Mỗi vật trong ẩn có hiện, trong không gian có thời gian, trong thiện có ác, trong quá khứ có vị lai, trong phúc có họa, trong tương đối có tuyệt đối, trong nhân có quả, trong quả có nhân và không một cái gì hoàn toàn biệt lập. Mỗi thái độ, mỗi hành động của một cá nhân này tác động dây chuyền đến các cá nhân khác trong cộng đồng phải gánh chịu trong mối liên hoàn trùng trùng điệp điệp.
Những hiện tượng trong trời đất có thể ví như các sợi tơ dệt chằng chịt thành một dải lụa mà sự phức tạp của nó vượt quá sức tưởng tượng, cái một và cái nhiều tương tức, tương nhập liên kết mật thiết với nhau.
Tóm lại: nói sự sự vô ngại tức là nói:
- Không gian dung thông với không gian.
- Thời gian dung thông với thời gian.
- Không và thời gian dung thông với nhau.
- Một không gian dung thông với tất cả không gian.
- Một thời gian dung thông tất cả thời gian.
- Một dung thông với tất cả và ngược lại
Đối với chúng ta sự thể nhập vào thế giới sự sự vô ngại là vô cùng khó khăn khi cái ngả nặng nề trầm luân còn trói chặt trong vòng đai vô hình của nó. Chúng ta chỉ thâm nhập vào thế giới đó khi nhìn muôn sự ở cõi đời dàn trải ra trước mắt dưới cái của diễn biến vô thường vô ngã và chỉ khi đó trực giác tâm linh mới mở được cánh cửa đi vào thế giới này mà thôi.
Hiệu ứng con bướm
Cho đến cuối thế kỷ 19, các nhà Vật lý học vẫn còn lòng vòng trong vành đai của Vật lý Newton. Quan niệm của Newton về một vũ trụ mang tính rời rạc, cơ giới, bị chi phối bởi nguyên lý tất định khô khan, cứng nhắc. Các nhà vật lý còn say đắm trong “Tất định luận Laplace” và ung dung trong phương pháp “quy giản luận” để nhìn về bức tranh sống động của tự nhiên.
Năm 1905 A-Einstein bằng lý thuyết tương đối của mình đã xóa đi luận cứ của Newton về một không gian và thời gian tuyệt đối. Những năm 1920 – 1930, sự xuất hiện lý thuyết cơ học lượng tử với khái niệm “nhòe lượng tử” đã loại trừ niềm tin vào khả năng đo đạc chính xác và sau cùng “tất định luận” lại tỏ ra hụt hơi bởi “lý thuyết hổn độn”. Thuật ngữ hổn độn theo ý kiến chung bao hàm nghĩa khoa học là “không thể dự đoán” hay không thể “dự báo dài hạn được”. Người tiên phong suy nghĩ vấn đề này là nhà Toán học lừng danh Henry Poincaré, tuy nhiên lúc bấy giờ máy tính chưa có nên không có công cụ hỗ trợ để cho các nhà toán học ngoại suy.
Edward Lorenz, nguyên là nhà nghiên cứu toán học và có điều kiện làm việc tại Học viện Công nghệ MIT, ông thường xuyên dùng máy tính để tính toán khí tượng. Lorenz đã bước đầu thành công khi quy giản kết quả của dự báo thời tiết qua 2 tham số tương tác là chuyển động không khí và nước thông qua máy tính in ra những đường lượn sóng cho biết hiện tượng biến thiên theo thời gian.
Mùa đông năm 1961, muốn kiểm tra một trong những đoạn biểu đồ trên một thời gian dài. Thay vì cho chạy lại từ đầu, ông lại nhập những con số (những thông tin) từ tờ in kết quả gần nhất, xong ông bỏ đi và một giờ sau ông trở lại, điều quá bất ngờ đập vào mắt ông: nhìn vào biểu đồ thấy dự báo lần này khác xa lần cũ không ăn nhập gì với nhau. Ông chợt hiểu được một sự thật nằm ở chỗ số mã ông nhập vào bộ nhớ lần sau. Bộ nhớ máy tính lưu giữ con số có 6 số thập phân. Chẳng hạn số: 0, 5056127 nhưng ông chỉ lấy 3 số thập phân 0,506 để nhập vào máy cho lần sau. Sự không ăn khớp của kết quả dự báo lần sau và lần đầu có nguyên nhân đó vì cả hai lần ông dùng cùng một hệ phương trình tất định. Ông đã nghĩ rằng sự khác biệt quá nhỏ (một phần nghìn) nên không để tâm đến sự phụ thuộc nhạy cảm vào điều kiện ban đầu thường được gọi là “hiệu ứng con bướm”. Một cái đập cánh của con bướm ở Braxin có thể gây ra bão tố ở Texas.
Về nguyên tắc của dự báo, người ta truyền cho máy tính dữ liệu thu thập như áp suất, nhiệt độ, độ ẩm và những dữ liệu địa lý các dãy núi, các đại dương cùng với định luật vật lý mô tả hành trạng của khối lượng khí. Máy tính sẽ theo yêu cầu mà tính toán đưa ra dự báo trong vài ngày đầu thì thực tế và dự báo không mấy sai biệt, nhưng 6, 7 ngày sau lại là chuyên khác do những thăng giáng nhỏ trong khí quyển, nhỏ đến mức không thể phát hiện được. Những mầm mống của sự không hiểu biết đó không tách rời sự vận động của tự nhiên. Dự báo dài hạn là vấn đề ảo tưởng cũng giống như làm tròn con số thập phân của Lorentz.
Quy giản luận - Một vấn đề triết lý của tự nhiên
Quan niệm chung tổng thể về tự nhiên là một lưới đan xen của nhiều bộ phân, trong đó mỗi bộ phận tương tác với bộ phận khác tạo nên một tổng thể hài hòa. Chẳng hạn, sự rơi một vật, về nguyên tắc được quyết định bởi không những hấp lực của quả đất mà còn chịu hấp lực của mặt trăng, mặt trời và các tinh tú nữa. Quan điểm chia tự nhiên thành nhiều bộ phận, đồng thời mỗi bộ phận được nghiên cứu một cách riêng rẻ độc lập với nhau, sau đó đem lắp ghép với nhau thì có thể hiểu được tổng thể, đó là phương pháp quy giản luận. Khoa học Tây phương được xây dựng phần lớn theo phương pháp này. Sự hiệu quả của phương pháp quy giản nhờ hai tính chất: tính chất tuyến tính và tính cục bộ.
- Tính chất tuyến tính: khi toàn bộ bằng đúng tổng các thành phần, do đó ta chỉ cần nghiên cứu riêng lẻ hành vi cá thể của mỗi thành phần rồi lấy tổng lại để có hành vi toàn bộ. Chẳng hạn ta lấy ví dụ: một miếng xốp rất nhẹ có trọng lượng không đáng kể. Ta bắt đầu thả lên nó một thìa nước có trọng lượng x, miếng xốp trở thành có trọng lượng là x. Nếu đổ thêm 4 thìa thì miếng xốp có trọng lượng là 5x. Mối liên hệ giữa miếng xốp và nước là quan hệ tuyến tính. Đến lúc sau, miếng xốp không hút được nước nữa thì trọng lượng nước đổ lên miếng xốp không còn tỷ lệ với trọng lượng miếng xốp, lúc đó hành vi có được gọi là hành vi phi tuyến. Trong thực tế hầu hết các hiện tượng vật lý đều trở thành phi tuyến khi vượt qua một giới hạn dung sai và trở thành hổn độn, một hệ thống không thể dự báo được mức độ trật tự và trở nên rất nhạy cảm đối với mỗi lần có biến động của thành phần của hệ. Cái “hệ quả” có khi trở nên quá lớn đối với cái “nguyên nhân”, một cánh bướm đập nơi này có thể gây bão tố nơi khác.
- Tính chất cục bộ: là một hệ thống mà hành vi của nó chỉ phụ thuộc vào ảnh hưởng trong phạm vi trực tiếp gần với nó, nếu xét về các lực thì một hệ chỉ chịu tác động của các lực từ môi trường gần kề nó.
Chính vì 2 tính chất vừa nêu trên mà các nhà khoa học khi khám phá tự nhiên đã tách riêng ra rất nhiều hệ có tính chất tuyến tính và tính chất cục bộ, từ đó làm nên khoa học để từng bước hiểu sâu thêm thế giới, lý thuyết hổn độn ra đời và giữ vai trò cuộc cách mạng thứ 3 sau 2 cuộc cách mạng của lý thuyết tương đối và lý thuyết lượng tử.
Điều suy ngẫm
Thời đại ngày nay, vũ trụ đối với chúng ta hẳn đã không quá xa lạ nữa. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn mà sự sống đã phó mặt hoàn toàn cho những thịnh nộ hay những ân sũng của Thần linh, Đất trời.
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày…
Khoa học đã nâng cao tri thức và đời sống nhân loại, nhưng khoa học mãi không bao giờ đi đến cuối cùng để hiểu hết các bí ẩn của vũ trụ cũng như sự tồn tại bản thân vũ trụ. Lý trí con người có những giới hạn nhất định không thể đạt đến chân lý tuyệt đối như định lý bất toàn Godel đã công bố. Mặt khác, cho dù lý thuyết hỗn độn cùng với sự hỗ trợ tiến bộ của máy tính thế hệ mới thì mọi bí ẩn của vũ trụ vẫn ngự trị trong trí óc nhân loại, làm sao có được cái nhìn như thật của đức Phật trong pháp giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm.
Cách đây cả trăm năm nhà Bác học vĩ đại A-Einstein đã xác tín rằng: “Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao trùm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” hoặc như Egerton C.Baptist: “Kiến thức siêu việt của Phật giáo bắt đầu nơi mà ở đó khoa học kết thúc.
Cách đây trên 25 thể kỷ, đức Phật ở trong Hoa Nghiêm, Ngài trụ trong Đại định tam muội, là một loại thiền định hợp chất của 2 yếu tố: Đại trí năng và Đại bi tâm để trong một sát na, tâm lực đức Phật dàn trải phủ lấp cả thế giới này. Nói rõ hơn, Ngài vẫn là con người bình thường nhưng cõi sống tâm thức hoàn toàn không giống như con người. Tâm thức ấy không bị chiêu cảm bởi sắc, thanh, hương, bởi lục dục thất tình và tâm thức ấy không phải là biểu hiện của trí năng giàu tưởng tượng. Ngài khai mở điều kỳ diệu như đã mô tả trong pháp giới Hoa Nghiêm, và Pháp giới Hoa Nghiêm được khai thị ngay trong lòng của thế giới. Thế giới nó có không gian và thời gian, có biên tế đối lập và tận cùng bởi các quan năng hữu hạn của con người. Trí năng con người không thể đạt đến cảnh giới Hoa Nghiêm của chư Phật, chư Bồ tát, chỉ có trực giác mới đưa con người đến được khi và chỉ khi trong con người lòng trần đã được buông xả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thiền luận Suzukí tập 3: Trúc Thiên dịch, NXB Tổng Hợp thành phố 2001.
2. Triết học Phật Giáo Hoa Nghiêm Tông: GARMA G.C CHANG Thích Thiện Sáng dịch 2006, NXB Tôn Giáo.
3. Hỗn độn và hài hòa: Trinh Xuân Thuận, NXB KHKT năm 2005.
4. Hiệu ứng con bướm đến Hỗn độn: James Gleick, NXB Trẻ 2009, bản dịch.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét