Tác giả: GS.TS. Đỗ Tấn Lợi
Nhà xuất bản: NXB Y Học 2004
Đỗ Tất Lợi (1919-2008) bắt đầu nghiên cứu dược học từ năm 1939, khi đang là sinh viên của trường Đại học Y Dược Hà Nội. Sau kháng chiến chống Pháp, ông trở thành Chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu của Đại học Y Dược Hà Nội. Trong thời gian này, ngoài công việc giảng dạy, ông tập trung toàn bộ vào việc nghiên cứu về các dược liệu Việt Nam, tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu trước đó của phương Đông và phương Tây, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, đồng thời đi nhiều nơi trên đất nước để tìm kiếm các vị thuốc. Năm 1962, ông cho ra mắt bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (hay Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam[2]. Đây là một bộ sách lớn, lần xuất bản đầu tiên (1962-1965) được in 10.000 cuốn, chia làm 6 tập, tổng cộng dày 1.494 trang. Bộ sách đã giới thiệu hơn 750 vị thuốc, gồm 164 cây thuốc, 77 vị thuốc động vật, 20 vị thuốc khoáng vật. Mỗi loại đều có tên khoa học, tên tiếng Việt và tên chữ Hán, những đặc tính chung, mô tả quá trình phân phối, thu hoạch, chế biến, thành phần hoá học và công dụng, liều dùng. Cuốn sách bao gồm cả những loại thuốc mà các nhà khoa học đã xác minh cơ chế, lẫn cả những loại được kiểm chứng hiệu nghiệm trong thực tế nhưng vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
Trong lời giới thiệu bộ sách lần xuất bản đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Vũ Công Thuyết, đã viết:
“ …Bộ sách đã thể hiện một công trình sưu tầm, nghiên cứu rất công phu, một khối lượng lao động rất lớn trong nhiều năm của tác giả. Nhiều công trình nghiên cứu trong nước, nhiều tài liệu nước ngoài đã được khảo sát, chọn lọc, cộng với hơn 20 năm trong nghề của tác giả, một cán bộ đã có nhiều nhiệt tình và cống hiến trong việc nghiên cứu thuốc nam. [2] ”
Đọc Thêm : GS-TS Đỗ Tất Lợi – Cây đại thụ giữa rừng thảo dược
Câu định nghĩa giản dị ngắn gọn này đã trở thành mục đích cả cuộc đời GS Đỗ Tất Lợi: Nghiên cứu y học cổ truyền là tìm ra những điều mà y học hiện đại chưa biết.
GS-TS Đỗ Tất Lợi sinh năm 1919, xuất thân từ một gia đình làm nghề nông ở làng Phù Xá, huyện Kim Anh, Phúc Yên, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngay từ nhỏ, bác đã học được ở cụ thân sinh Đỗ Văn Kiêm lòng say mê trồng trọt đủ loại cây cỏ vườn nhà. Năm lên sáu, bác bị ngã gẫy tay, được chữa khỏi nhờ cụ lang Lê Văn Sáp nổi tiếng chữa gẫy xương và nhiều bệnh khác chỉ bằng thuốc lá.
Vậy là cây cỏ ở quanh ta còn ẩn chứa nhiều điều bí mật. Cho nên khi thi vào đại học năm 1939, bác không chọn khoa Luật để ra làm quan như nhiều người mong tiến thân ngày ấy, cũng không chọn khoa Y để làm quan đốc tờ, bác chọn khoa Dược. Người chọn ngành này thật hiếm hoi! Năm bác tốt nghiệp chỉ có 6 dược sĩ cho toàn cõi Đông Dương.
Ngay khi còn là sinh viên, bác đã tìm đến cụ lang Lê Văn Sáp xin cụ cho đi thăm bệnh và đi sưu tầm cây thuốc. Nhờ đó, ngành Dược của ta may mắn có người mở đầu công việc kết hợp khoa học thực nghiệm với kinh nghiệm y học cổ truyền phương Đông. Bác là người phát ngôn sớm nhất quan niệm này trên Báo Dân Thanh ngày 31/10/1946. Vì vậy, ngay số báo sau đã có người phản bác lại, đó là nhà Đông y Lê Huy Phách. Chỉ sau đó hàng chục năm, ông này mới nhận ra sai lầm của mình, và đích thân đến xin được học, được cùng nghiên cứu với dược sĩ Đỗ Tất Lợi.
Những câu chuyện chữa bệnh kỳ lạ của y học cổ truyền thì nhiều, GS-TS Đỗ Tất Lợi có thể kể ngày này sang ngày khác mà không hết. Riêng tôi, nhớ nhất câu chuyện thú vị này:
Có một đơn vị bộ đội đóng ở Thủ Đức ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ăn phải nấm độc, cả đơn vị bị ngộ độc, bất tỉnh. Mấy bác sĩ trong vùng đều chịu, không biết cách chữa. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đến thăm đơn vị đúng lúc ấy, ông vận dụng kiến thức học được từ Trường Đại học Y ở Paris, có lẽ một phần do thuốc men thiếu thốn vùng kháng chiến, nên ông cũng không chữa được.
Lúc đó, bà nông dân chủ nhà (chưa biết chữ) nói như đinh đóng cột: “Các chú không chữa được thì để tôi chữa cho”. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hỏi xem bà định chữa bằng cách nào. Bà bảo: “Miễn khỏi thì thôi, các chú không cần biết!”.
Bà đi ra sau nhà, nhóm bếp rang một thứ gì đó, độ 15-20 phút bà trở ra, rót từ chiếc bình tích lớn một thứ nước đổ vào miệng mỗi bệnh nhân một chén. Thật kỳ lạ! Chưa đầy 10 phút, cả đơn vị đều tỉnh lại và khoẻ khoắn như chưa từng ăn phải nấm độc.
Các bác sĩ gặng hỏi, bà chỉ mủm mỉm cười: “Tôi không nói, tôi nói ra thì các chú cho tôi… đi tù!”. Rồi đơn vị chuyển đi, việc quân bận rộn, mọi người yên trí bà muốn giữ riêng cho mình bài thuốc cổ truyền. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng yên trí như vậy suốt 20 năm.
Đến năm 1969, ông kể chuyện đó cho tôi nghe (lời GS Đỗ Tất Lợi). Tôi trả lời ông Thạch:
- Thưa anh, thang thuốc đó sách thuốc cổ của ta đã ghi!
- Anh thử dịch tôi xem!
“Tôi liền dịch ra và đánh máy 5 trang đặc chữ đưa ông xem. Trong đó có hàng chục thang khác nhau dùng phân người để chữa bệnh. Bà nông dân hẳn đã dùng cách này! Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch kinh ngạc liền chỉ định cho mấy dược sĩ nghiên cứu xem có chất gì trong phân có thể trị ngộ độc nấm. Hoá ra phân người thải ra potassium. Đem phân rang lên, trong tro của nó toàn potassium, pha vào nước có thể chữa được những cơn choáng như trường hợp ngộ độc nấm ở trên”.
Sau đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho bào chế thứ thuốc này, bởi bộ đội thời đó hay hái nấm ăn, không tinh sẽ ăn phải nấm độc. Vì là thuốc chế từ thứ trong bụng người nên bác sĩ đặt tên cho là Nhân trung 9 (NT9). Có người muốn trêu ông thì gọi là Ngọc Thạch 9.
Câu chuyện trên thật đúng với câu danh ngôn: Thà được cứu sống một cách ngu ngốc còn hơn chết một cách thông minh.
Còn câu định nghĩa giản dị ngắn gọn này đã trở thành mục đích cả cuộc đời GS Đỗ Tất Lợi: Nghiên cứu y học cổ truyền là tìm ra những điều mà y học hiện đại chưa biết.
GS-TS Đỗ Tất Lợi có tới 120 công trình khoa học lớn nhỏ mà chỉ kể tên ra, không giải thích, đã choán hết độ dài của bài báo. Công trình đáng kể nhất, gây tiếng vang ra ngoài đất nước là bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” dày trên 1.200 trang khổ lớn, bao gồm 750 loài cây thuốc, vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị khoáng vật.
Bộ sách được tái bản nhiều lần, mỗi lần lại dày thêm những chương mới. Ví dụ tái bản lần thứ 7, bổ sung một chương về phân người, lần thứ 8 một chương về dùng nước bọt chữa bệnh… Ngoài những tên khoa học, dược tính, nơi sinh trưởng của cây thuốc… còn có hình chụp màu để độc giả bình thường có thể nhận ra không nhầm lẫn từng cây thuốc, lá thuốc.
Bàn về cây cỏ với tôi, GS nói một câu rất hay: “Hoa không chỉ quan trọng với trang thơ của các anh, với chúng tôi, nó là chứng minh thư của cây. Vì nhiều thứ cây, lá hao hao giống nhau. Nhưng đến khi có hoa là ta xác định ngay được tên gọi”.
Tôi thầm nghĩ: Cây cũng như các nhà thơ vậy, họ có thể giống nhau trong đời sống, nhưng đến khi ra hoa – thơ mà cũng giống nhau nữa thì không biết gọi họ là gì?
Nhân bàn về hoa, mùa xuân đem đến cho ta bao sắc màu kỳ diệu, nhưng ta chỉ biết hưởng chúng ở vẻ đẹp bên ngoài, nếu ta còn biết được như GS Đỗ Tất Lợi, giá trị chữa bệnh cứu người của chúng: Cây kim ngân mới ra hoa màu trắng, rồi chuyển dần sang vàng, có lúc lại từng mảng trắng xen vàng (kim và ngân mà!) thành thảm hoa thật đẹp! Đó là vị thuốc mát chữa được cảm sốt, mẩn ngứa, dị ứng. Hoa mẫu đơn là một thứ thuốc có tác dụng bổ máu.–PageBreak–
Cây sâm bố chính ở Thanh Hoá có những bông hoa to đỏ rực, hoặc cây trồng làm cảnh phổ biến ở nước ta là cây trúc đào, GS đã tìm cách chiết hoạt chất của cây này, qua nhiều lần thí nghiệm thất bại, cuối cùng ông đã chiết được chất neriolin là thuốc chữa bệnh tim đủ tiêu chuẩn cần thiết. GS Đặng Văn Chung đã dùng thử trên lâm sàng có kết quả…
GS Đỗ Tất Lợi không đồng ý dùng khái niệm thuốc Nam, thuốc Bắc như ta vẫn dùng lâu nay (thuốc Nam là lá mọc ở Việt Nam, thuốc Bắc là nhập của Trung Quốc). Ranh giới Nam – Bắc chỉ là tương đối. Thí dụ người Nga gọi thuốc của Trung Quốc là thuốc Nam (phía Nam của họ). Cây thuốc mọc ở vùng Vladivostoc mới là thuốc Bắc.
Do thiếu hiểu biết nên những cây dược liệu mọc ở Việt Nam (Lào Cai) như củ gấu tầu và hoàng liên đáng phải gọi là thuốc Nam. Nhưng Lào Cai đã xuất sang Trung Quốc. Sau đó, Hải Phòng lại nhập những vị thuốc ấy với cái tên Ô đầu và Bắc hoàng liên coi như thuốc Bắc. Hoặc có một số cây thuốc Bắc đã trồng được ở Việt Nam như sinh địa, thục địa thì nay gọi là gì? Theo ông, chỉ nên gọi là thuốc Bắc hay thuốc Nam khi được chế biến theo cách của Trung Quốc hay Việt Nam.
- Thưa bác, vấn đề truyền dạy kiến thức y học dân tộc và chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, bác có điều gì còn chưa hài lòng?
- Hiện nay, các trường đại học y dược của ta chưa có bộ môn (hoặc khoa) này để truyền dạy. Học trò của tôi có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở Đại học Dược TP Hồ Chí Minh còn thỉnh thoảng mời tôi đến giảng ngoại khóa. Còn ngoài Hà Nội thì không… Y học cổ truyền thời xưa y và dược là một. Danh y Lý Thời Trân là tác giả cuốn dược liệu lớn nhất thế giới, khi đi chữa bệnh lại là ông lang Tần Hồ.
Còn tôi bây giờ mà đi chữa bệnh là sai luật vì không có giấy phép hành nghề. Trong khi đó, nếu người nghiên cứu tự đi chữa bệnh, nhiều khi phát hiện được tác dụng mới của thuốc. Thí dụ khi tôi dùng ích mẫu, ngải cứu chữa bệnh kinh nguyệt không đều thì tôi phát hiện ra đơn thuốc ấy làm hạ được huyết áp. Sau tôi chỉ dùng đơn thuốc ấy để hạ huyết áp thì tác dụng rất tốt.
Chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thấy hiệu quả ấy đã ra lệnh nghiên cứu. Tiếc rằng nghiên cứu chưa xong thì bác sĩ Phạm Ngọc Thạch qua đời, không được nghe kết quả nghiên cứu. Hai nữa về vấn đề quy chế, thầy thuốc Đông y không được bảo vệ như bác sĩ Tây y. Trong những ca đặc biệt, bệnh nhân phải làm giấy cam đoan để khỏi rầy rà đến bác sĩ khi không may bị tử vong. Với các thầy lang thì đâu được thế!
- Thưa bác, ở tuổi 80 mà ở bác, tôi chưa thấy những dấu hiệu lão hoá. Vậy vấn đề dưỡng sinh và tự chữa bệnh của bác ra sao?
- Tôi chỉ nhờ Tây y mỗi việc mổ mắt, phải dùng đơn thuốc Tây, còn thì toàn dùng Đông y, không bao giờ uống kháng sinh, cảm sốt không bao giờ dùng aspirin. Chỉ cần thái nhỏ hành, hẹ, đập quả trứng gà rồi rót vào đó bát cháo loãng thật sôi, quấy đều cho vừa mắm muối là khỏi, nếu phải ăn sang bát thứ hai, thứ ba thì bớt lòng đỏ cho gan đỡ phải làm việc.
Giáo sư nhấn mạnh:
- Đặc biệt không để xảy ra stress. Khi bị stress, tôi dùng cách thở bốn thì (kiểu thở của ông Nguyễn Khắc Viện) để chấm dứt giận dữ hoặc buồn phiền. Anh có biết tác dụng của cỗ hậu sự các cụ sắm sẵn đặt trong nhà không? Một cách chống stress đấy! Chết còn không sợ thì còn sợ cái gì?
GS Đỗ Tất Lợi kết thúc buổi trò chuyện với tôi bằng một hồi ức vui:
- Tôi còn học thôi miên ở nhà văn Phạm Cao Củng nữa đấy! Tôi học và thu được hiệu quả: Anh Cát Huy Dương (sau là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế) ở trọ nhà tôi. Tôi thôi miên cho anh ngủ, đưa anh muối bảo là đường, thế mà anh thấy ngọt mới lạ! Phương Đông mình còn nhiều điều bí ẩn phải nghiên cứu lắm. Tôi học thôi miên cho biết, không đi sâu được, mỗi người mỗi nghề…
Lần đến thăm hôm nay, GS không được khỏe, anh Đỗ Tất Hùng, con trai trưởng của cụ mời tôi ra gian ngoài trò chuyện. Hoá ra anh cũng từng viết nhiều bài báo về Đông y, ký tên Thái Hư hoặc Huyên Thảo.
Anh còn cho biết một điều thú vị: Gia tộc họ Đỗ, từ đầu thế kỷ trước đã hình thành một tập đoàn hoạt động kinh doanh liên ngành, mà tổ chức hoạt động sớm nhất là ngành xuất bản: ông Giáo Mai (ông Năm) là chủ NXB Mai Lĩnh, trong khi cậu cháu ruột Đỗ Tất Lợi mở hiệu thuốc Mai Lĩnh.
Các nhà văn Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng thường xuyên có mặt ở NXB. Nhà văn Ngô Tất Tố cũng là người bốc thuốc giỏi. Trong khi đó, ông Bẩy lại mở hiệu tạp hoá và nhà in Mai Lĩnh ở Hải Phòng, kiêm cơ sở phát hành báo chí. GS Đỗ Tất Lợi hồi nhỏ học ở Hải Phòng, sáng nào cũng phải đưa báo đến một số địa điểm rồi mới đến lớp học. Còn nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn hiện nay lại gọi GS Đỗ Tất Lợi bằng cậu ruột…
Tải sách
tại đây